Ngày 24-7, tại xã Lương Phi, UBND huyện Tri Tôn phối hợp với LĐLĐ tỉnh An Giang tổ chức lễ khánh thành công trình cải tạo và nâng cấp Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc, với sự tham dự của các tướng lĩnh quân đội, Tỉnh ủy cùng các ngành chức năng của tỉnh.
Căn cứ địa cách mạng Ô Tà Sóc là nơi chứng kiến nhiều trận đánh oanh liệt trong những năm 1960
Phát biểu tại buỗi lễ, ông Cao Quang Liêm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, cho biết công trình cải tạo này có tổng trị giá gần 3 tỉ đồng, do LĐLĐ tỉnh An Giang vận động trong công nhân viên chức, người lao động trong toàn tỉnh cùng vốn đối ứng của địa phương. Công trình gồm nhiều các hạng mục được cải tạo, nâng cấp mới … với kinh phí đầu tư gần 1,24 tỉ đồng. Đối với nhà trưng bày và hội trường, được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1 tỉ đồng, diện tích 130 m2, phục vụ trưng bày, giới thiệu về lịch sử căn cứ Ô Tà Sóc.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Ô Tà Sóc nằm trên ngọn Sà Lôn trong dãy núi Dài lớn thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Từ năm 1962 - 1967, Tỉnh ủy An Giang đã chọn nơi đây là căn cứ chỉ đạo đấu tranh chống Mỹ. Các cơ quan quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ đóng rải rác trong các hang động. Các hang động có đường mòn trên núi nối liền nhau, vừa là nơi trú ẩn, tránh đạn pháo, ngăn chặn hữu hiệu những đợt tiến quân của địch với hỏa lực hùng hậu, vừa là căn cứ tiến công địch một cách lợi hại.
Trong thời kỳ chống Mỹ, địch đã tổ chức 365 trận càn quét lớn nhỏ với mọi phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại của Mỹ, ngụy lên căn cứ Ô Tà Sóc, nhưng hoàn toàn thất bại. Ngược lại, từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo quân và dân An Giang tấn công tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang thổ phỉ ở vùng rừng núi ven biên, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến, kiên cường phá tan hệ thống "ấp chiến lược" và "kế hoạch bình định", góp phần đánh bại "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy.
Dựa vào Ô Tà Sóc, Tỉnh ủy đã củng cố vững chắc vùng giải phóng, xây dựng lực lượng 3 thứ quân, lực lượng cách mạng trong vùng địch, chuẩn bị điều kiện cho thời cơ mới tiếp theo. Khi Tỉnh ủy và các cơ quan dời đi nơi khác, Ô Tà Sóc vẫn là căn cứ dự phòng của tỉnh và được các đơn vị như Phân ban Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tiền phương cùng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực miền Nam tiếp tục bám trụ và chiến đấu oanh liệt, đương đầu với hơn 360 trận càn quét của Mỹ nhưng vẫn giữ vững căn cứ cho thắng lợi sau cùng.
Sau đây là một số hình ảnh tại buổi lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc vào buổi sáng cùng ngày:
Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo cùng các nguyên tướng lĩnh quân đội dự lễ khánh thành
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh An Giang cũng tham dự tại buổi lễ
Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại bảng phù điêu dưới chân ngọn Sa Lôn
Nguyên các tướng lĩnh quân đội cũng đến thắp hương cho đồng đội đã ngã xuống trên vùng đất này
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành
Bí thư Tỉnh ủy An Giang thăm hỏi sức khỏe và tặng quà cho các cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến ở Ô Tà Sóc