TP.HCM: Có không việc 'chiếm không' đất của dân để phân lô bán nền?

Thứ năm, 25 Tháng 7 2019 11:29 (GMT+7)
Một mảnh đất hơn 6.500 m2 của một dòng tộc bỗng dưng bị thu hồi rồi cấp cho một nhân vật “lạ” làm dự án dân cư, sau đó phân lô bán nền!

Điều lạ kỳ là những hộ trước đây thuê đất trong khu này để trồng hoa màu thì được cấp sổ đỏ, trong khi những người chủ thực sự thì chìm nổi trong khiếu kiện kéo dài.

“Cha tôi đã quá cực nhọc vì liên tục chạy ngược chạy xuôi để khiếu kiện. Hơn 10 năm cuối đời đến khi mất, ông vẫn còn bất bình vì sự bất công và thờ ơ từ các cấp chính quyền. Chính vì vậy, chúng tôi kiên quyết sẽ theo đuổi đến cùng vụ việc” bà Lâm Thị Lệ, con gái ông Lâm Văn Nguyệt – người đứng đơn kiện đòi lại mảnh đất 6.526,3 m2 ở phường Hiệp Thành, Q12, TPHCM – nói trong nước mắt.

Mảnh đất của ông Lâm Văn Nguyệt đã bị “người lạ” ngang nhiên xây cất.

Theo hồ sơ, năm 1971, ông Lâm Văn Hết và ông Lâm Văn Hương được thừa hưởng mảnh đất của ông nội 13.780 m2. Năm 1976, ông Lâm Văn Minh, Lâm Văn Thân (con của ông Lâm Văn Hương) cho ông Tăng Kiên thuê mướn mảnh đất này tới thời hạn 1988. Đến năm 1988, ông Minh, ông Thân tiếp tục hợp đồng cho thuê với các ông bà Nguyễn Thị Giác, Trương Văn Tài, Nguyễn Văn Én. Thời hạn hợp đồng là một năm, giá thuê là 100.000 đồng/tháng.

Do thân tộc tranh chấp nên ngày 27/4/1993, thân tộc ông Lâm Văn Thiện (chủ đất) có biên bản thống nhất mảnh đất 13.780 m2 (thửa 525) do con cháu bà Lâm Thị Miểng đăng ký sử dụng. Ông Lâm Văn Cân và con là ông Lâm Văn Nguyệt làm đơn yêu cầu các hộ đã thuê (ông Tài, ông Én, bà Giác) trả lại đất nhưng các hộ này không chịu trả. Ông Lâm Văn Nguyệt làm đơn khiếu kiện.

Ngày 17/5/1996, UBND huyện Hóc Môn ra Quyết định 77/QĐ.UB cho rằng mảnh đất 13.780 m2 này (bao gồm cả 6.526,3 m2 mà ông Nguyệt khiếu kiện) thuộc diện quản lý của Nhà nước. Vì vậy, UBND quận 12 (sau khi thành lập mảnh đất thuộc phường Hiệp Thành, Q12) bác đơn của ông Lâm Văn Nguyệt đòi 6.526,3 m2 đã cho thuê.

Ông Lâm Văn Nguyệt liên tục khiếu kiện nên ngày 22/12/2011 Chủ tịch UBND TPHCM ra quyết định 6222/QĐ – UBND công nhận quyết định của UBND Q12 là mảnh đất do Nhà nước quản lý và giao quận 12 lập dự án xây dựng công trình công  ích. Ông Lâm Văn Nguyệt không đồng ý nên tiếp tục khiếu kiện cho đến khi ông Nguyệt chết đi thì các con ông gồm: Lâm Thị Hồng, Lâm Văn Tiến, Lâm Thị Lệ, Lâm Ngọc Năng... tiếp tục khiếu kiện.

Ngày 20/3/2017, UBND TPHCM ra Quyết định 1201/QĐ-UBND xác định mảnh đất nói trên không thuộc Nhà nước quản lý nữa (lúc này chỉ còn 5.822,3 m2, thuộc các thửa 188, 189. 190, 191, 200, 201, 202, 203, 204 tờ 9 do Đoàn đo đạc bản đồ xác lập ngày 6/8/2002). Giao UBND Q12 tiếp tục giải quyết tranh chấp.

Trong khi mọi việc đang còn tranh chấp thì đùng một cái, giữa năm 2018 mảnh đất xuất hiện xe cẩu bắt đầu san ủi, làm đường nội bộ, trồng trụ đèn. Đặc biệt, trên một số trang mạng và văn phòng giao dịch nhà đất bắt đầu xuất hiện các thông tin rao bán nền đất trong khu vực này. Một số công trình xây dựng nhà kiên cố cũng bắt đầu đổ móng làm nền, lên tấm.

Quy hoạch khu đất được "cò lái" rao bán.

Trong khi con cái ông Lâm Văn Nguyệt đau khổ vì ngược xuôi khiếu kiện thì các hộ thuê đất không trả trước đây là các ông bà Nguyễn Thị Giác, Trương Văn Tài, Nguyễn Văn Én bỗng dưng được cấp sổ đỏ.

“Chúng tôi không biết quy trình cấp sổ đỏ có khuất tất gì không nhưng họ cấp sổ đỏ rất nhanh, có thể là trong lúc chúng tôi ngóng chờ quyết định của cấp thành phố”, ông Lâm Văn Tiến, con trai ông Nguyệt thắc mắc.

"Quyết định giải quyết mới nhất của UBND TPHCM (QĐ 1201/QĐ- UBND ngày 20/3/2017) đã phát hành mà chính quyền phường Hiệp Thành không đưa cho chúng tôi. Đó là quyết định rất quan trọng, xác định mảnh đất của chúng tôi không bị thu hồi làm đất Nhà nước mà các quyết định trước đây của quận đã viện dẫn để thu hồi. Chúng tôi phải nhờ người quen lấy từ cơ quan hành chính trên thành phố”, ông Tiến nói.

Theo trả lời của UBND phường Hiệp Thành mới đây, mảnh đất 5.822,3 m2 này hiện do ông Phạm Văn Tài đứng tên sổ đỏ. Ông Tài đã lập dự án làm hạ tầng kỹ thuật và đang rao bán nền! Gia đình ông Nguyệt hiện cũng không biết ông Tài là ai, ở đâu xuất hiện và duyên cớ gì lại được cấp sổ đỏ? Liệu đằng sau “dự án” này chính quyền sở tại có làm đúng quy trình, công khai minh bạch?

Trước mắt, việc ông Lâm Văn Nguyệt đại diện cho cha là ông Lâm Văn Cân khiếu kiện nhiều cấp ngành việc mảnh đất của gia đình cho thuê (3 hộ bà Giác, ông Én, ông Tài) suốt 16 năm qua rồi những người thuê đất bỗng nhiên biến thành chủ đất, thậm chí được chính quyền công nhận là việc làm hoàn toàn vô lý, có dấu hiệu trái pháp luật.

Về các văn bản pháp lý về khu đất mà gia đình cung cấp để khiếu kiện, qua xác minh là hoàn toàn đúng luật, có giá trị pháp lý mà chính quyền không căn cứ để xem xét giải quyết. Ngược lại, những người đi thuê đất, không có giấy tờ hợp pháp lại được chính quyền công nhận sở hữu. Liệu rằng các cấp thẩm quyền trong quy trình cấp quyền sở hữu cho những hộ này, thậm chí cấp phép xây dựng (nếu có) cho các căn nhà đang xây dựng trên khu đất có hợp pháp?

Báo xin chuyển nội dung bài viết này đến chính quyền và ban ngành chức năng TP.HCM để xem xét kiểm tra, làm rõ.

(Còn tiếp)

Thiên Sách - (giadinhvaphapluat.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội