Công ty Thoát nước lý giải "mưa trong một giờ, Hà Nội ngập cả chiều"

Thứ sáu, 26 Tháng 7 2019 16:50 (GMT+7)
Sau trận mưa chiều qua (25/7) khiến Hà Nội ngập nặng nhiều chỗ, Công ty Thoát nước Hà Nội đã có báo cáo nhanh gửi UBND TP, trong báo cáo đã lý giải nguyên nhân vì sao "mưa trong một giờ, Hà Nội ngập cả chiều".

Cường độ mưa gấp đôi khả năng thoát nước

Sáng 26/7, trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Ngọc Uyên - Phó Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Thoát nước Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa có báo cáo nhanh với UBND TP. Hà Nội về tình trạng một số tuyến phống ở nội thành bị ngập úng sau cơn mưa đầu giờ chiều ngày 25/7.

Theo đó, từ 12h30 (25/7), trên địa bàn TP. Hà Nội đã có mưa lớn và diễn ra trong khoảng 1 giờ, tập trung tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ. Tuy nhiên, cường độ mưa vượt gấp đôi khả năng chịu tải của hệ thống thoát nước thành phố.

“Đây là nguyên nhân gây ngập úng tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ…”, báo cáo do ông Nguyễn Quảng Sương, Phó Tổng giám đốc công ty Thoát nước Hà Nội thông tin.

cong ty thoat nuoc ly giai "mua trong mot gio, ha noi ngap ca chieu" hinh anh 1

Người dân lội nước bì bõm trên phố Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội) sau trận mưa chiều 25/7. (Ảnh: Thành An)

Đánh giá về mức độ mưa và ngập, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: Tại khu vực Hoàn Kiếm, lượng mưa đo được là 81,0mm, Ba Đình là 112,1mm; Đống Đa là 112,6 mm; Tây Hồ là 74,5 mm Hai Bà Trưng là 68,6 mm…

Trên một số tuyến phố như Nguyễn Thái Học, Lý Nam Đế, Cao Bá Quát, Đinh Liệt, Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, Đường Thành – Hàng Nón, Tôn Đản... thời điểm từ 12h30 đến 13h30 hôm nay, mức độ ngập đo được từ 0,2, đến 0,3 mét.

Cũng theo báo cáo, đến khoảng 16h40 (tức là khoảng 3 tiếng sau cơn mưa), nước trên các tuyến phố đã cơ bản rút hết, không còn điểm ngập úng trên đường.

Tại khu vực các huyện không xuất hiện điểm úng ngập. Trên đường dây nóng của Công ty Thoát nước Hà Nội không có thông tin của chính quyền địa phương báo về việc xuất hiện điểm úng ngập.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 26/7, Thủ đô Hà Nội có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối có mưa rào và rải rác có dông. Gió Đông Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Trước dự báo trên, về công tác ứng trực của công ty Thoát nước Hà Nội, ông Bùi Ngọc Uyên cho biết, trước khi xuất hiện mưa công ty đã lên kế hoạch, với nhiều giải pháp khác nhau như: Trực mưa ở các trạm-máy bơm, bố trí 100% lực lượng túc trực 24/24h tại các điểm xung yếu, úng ngập, sông, hồ,... để đưa nước nhanh nhất về khu vực tiêu-thoát.

Sẵn sàng cho kịch bản mưa lớn kéo dài

Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, theo phương án thoát nước mùa mưa năm 2019, mực nước trên toàn hệ thống mương, sông, hồ được giữ theo quy định. Công tác ứng trực đã được Công ty triển khai theo đúng phương án với đầy đủ phương tiện (xe bơm CP10), nhân lực (tua vớt rác tại miệng thu, khơi thông dòng chảy).

Ngay khi có mưa lớn vận hành các trạm bơm như Yên Sở, Đồng Bông, Cổ Nhuế, Linh Đàm, Kim Liên; mở cửa phải PS1A, công quay sông Sét, sông Kim Lưu, Trúc Bạch... để hạ mức nước trên hệ thống... "Dự báo trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khả năng xảy ra mưa, các lực lượng của Công ty tiếp tục ứng trực theo đúng phương án", đại diện công ty Thoát nước Hà Nội thông tin.

cong ty thoat nuoc ly giai "mua trong mot gio, ha noi ngap ca chieu" hinh anh 4

Nhân viên của Công ty Thoát nước Hà Nội túc trực 24/24h tại các điểm tiêu-thoát nước trong thời gian mưa xảy ra trên địa bàn TP. (Ảnh: Thành An)

Cũng trong chiều ngày 25/7, sau khi trận mưa kết thúc, trong buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị liên quan về công tác thoát nước mùa mưa năm 2019, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội kiến nghị TP chỉ đạo liên ngành xem xét về hạn mức với thực tế về việc ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí kế hoạch vốn dự án cải tạo, sửa chữa sử dụng nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách TP.

Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp với Công ty trong tổ chức kiểm soát việc xả thải, thiết lập dữ liệu, nhằm hạn chế tình trạng tắc nghẽn hệ thống thoát nước. 

TP sớm ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách trên địa bàn, trong đó cho phép thực hiện phương thức đặt hàng đối với lĩnh vực thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường nhằm phát huy hiệu quả đầu tư công…

Về việc này, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, theo thống kê, mỗi năm Hà Nội thường phải đón nhận những cơn mưa rất lớn vào mùa mưa với lượng mưa từ 1.600 -1.700 mm. Đến nay, Hà Nội mới nhận lượng mưa khoảng 500 mm; trong vòng 2,5 tháng tới vẫn còn rất nhiều lượng mưa với diễn biến khó lường và rất dễ xảy ra những trận mưa rất lớn, kéo dài.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các sở ngành TP phải chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống,  ứng phó với kịch bản sẽ có những trận mưa lớn, mưa cực đoan, kéo dài để đảm bảo việc thoát nước cho Thủ đô.

Đề cập đến những kiến nghị của Công ty Thoát nước Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, TP và các sở, ban, ngành sẽ tạo điều kiện tối đa cho ngành thoát nước triển khai thực hiện các dự án nhằm đảm bảo việc thoát nước cho TP. 

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP khẳng định, tạo điều kiện không có nghĩa là buông lỏng. TP sẽ chỉ đạo các đơn vị có chức năng giáp sát chặt chẽ về chất lượng, kinh phí của các dự án đó. 

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP đã giao Sở Xây dựng rà soát các chủ đầu tư chậm bàn giao, chưa hoàn chỉnh hệ thống thoát nước cho TP, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Kiểm soát, có giải pháp tiêu thoát nước tại các “điểm đen” úng ngập

Đó là yêu cầu của Sở Xây dựng Hà Nội tại Văn bản 6315/SXD-HT ngày 19/7/2019 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho người, nhà ở, công trình xây dựng và bảo đảm giao thông mùa mưa bão năm 2019 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội tăng cường kiểm soát, có giải pháp tiêu thoát nước, hạn chế úng ngập tại các “điểm đen” úng ngập khi mưa lớn; đặc biệt tại các hầm chui Đại lộ Thăng Long, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ dễ gây tình trạng ùn tắc giao thông...

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, chỉ đạo, có giải pháp ứng phó bảo đảm tuyệt đối an toàn với các chung cư cũ, xuống cấp gây nguy hiểm, nhà dân dột nát, nguy hiểm; chằng chống gia cố các công trình, nhà ở, cơ sở sản xuất...

Thành An - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội