19 người chết, mất tích do mưa lũ

Thứ hai, 05 Tháng 8 2019 08:31 (GMT+7)
Hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn ở nhiều địa phương. 5 người chết, 14 người mất tích, nhiều khu vực bị cô lập

Dự báo hoàn lưu bão số 3 tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể gây mưa lớn trên 100 mm trong 2 ngày 5 và 6-8 ở trung du Bắc Bộ. Thanh Hóa tiếp tục có mưa lớn và chịu ảnh hưởng nước dồn từ tỉnh Xiêng Khoảng - Lào.

19 người chết, mất tích do mưa lũ - Ảnh 1.

Các lực lượng cứu đê biển Tây ở Cà Mau. Ảnh: VÂN DU

Thiệt hại trên diện rộng

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đến cuối ngày 4-8, mưa lũ làm chết 5 người (Thanh Hóa: 3 người, Bắc Kạn: 1 người; Điện Biên: 1 người) và làm 14 người mất tích (Thanh Hóa: 12 người, Điện Biên: 1 người; Phú Thọ: 1 người).

Mưa lũ cũng làm 59 ngôi nhà ở Thanh Hóa, Sơn La bị sập; 852 nhà chủ yếu ở Thanh Hóa bị ngập.

Tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, rạng sáng 4-8, mưa lớn kéo dài khiến nước trên suối dâng cao, công trình ngầm Nà Khoa bắc qua suối Nậm Pồ, xã Nà Khoa bị nước lũ cuốn trôi một phần. Giao thông từ trung tâm huyện đến 3 xã Nà Khoa, Nậm Nhừ, Na Cô Sa tạm thời gián đoạn.

Tuyến Quốc lộ 12, từ TP Điện Biên Phủ đi huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay xuất hiện hàng chục điểm sạt lở. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều gia đình ở Tiểu khu 1, Tiểu khu 3 và một số bản ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La ngập sâu trong nước.

19 người chết, mất tích do mưa lũ - Ảnh 2.

Người dân bị sập nhà ở bản Sa Ná (Thanh Hóa). Ảnh: TUẤN MINH

Nhà sập, đê biển có nguy cơ vỡ

Ngày 4-8, một lãnh đạo UBND huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) cho biết mưa lớn kèm gió giật mạnh đã làm sập, tốc mái 75 căn nhà, ngập hơn 700 căn nhà.

Thân đê biển Tây (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) sạt lở khoảng 300 m, nguy cơ vỡ đê rất cao. Triều cường dâng cao ở mức kỷ lục nên nước mặn đã tràn vào vùng ngọt hóa bên trong đê.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết lực lượng quân đội và dân quân tự vệ đã dùng cừ tràm, vải địa… gia cố phần thân đê; dùng bao tải chứa đất đắp trên mặt đê để hạn chế nước mặn tràn vào bên trong. Các lực lượng chức năng vẫn đang canh trực 24/24 giờ đề phòng diễn biến xấu xảy ra. Tuyến đê phòng hộ biển Tây có vai trò ngăn mặn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt trực tiếp cho 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nếu đê vỡ, cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân sẽ bị ảnh hưởng.

Mưa lớn kèm theo gió mạnh cũng làm sập và tốc mái hơn 180 căn nhà, 3 trẻ bị thương tại TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, phụ trách Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang, cho hay mưa lớn, triều cường dâng cao gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng đối với người dân sống ven đê biển của huyện An Minh. 6 căn nhà bị nước biển cuốn trôi, 35 căn sập hoàn toàn cùng 63 căn khác bị ngập. 

Tại các huyện miền núi Nghệ An, 2 ngày qua, mưa kéo dài liên tục nhiều giờ, lũ thượng nguồn đổ về nên nhiều hồ đập thủy điện mực nước tăng cao. Nhà máy Thủy điện Bản Ang, Nhà máy Thủy điện Châu Thắng (huyện Quỳ Châu) và một số nhà máy thủy điện khác đang tiến hành xả nước hồ thủy điện.
NHÓM PHÓNG VIÊN - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội