Những căn nhà ở vùng biên giới An Phú (An Giang) cất cao né lũ giờ nằm trơ trọi trên cao.
Dân làm nghề “hạ bạc” lo lắng
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đi dọc tuyến biên giới An Giang, Đồng Tháp. Những năm trước, đây là lúc nước lũ đã tràn đồng: những cánh đồng ngoài đê bao trắng xóa nước, trên đó là cảnh đánh bắt của người dân. Giờ đây, cũng dọc những cánh đồng đó là đồng ruộng nứt nẻ, những chiếc ghe nằm chỏng trơ trên bãi bồi hoặc những chiếc dớn cao cách mặt nước cả mét. Ven những tuyến lộ về các trung tâm xã, cảnh mua bán cá đồng náo nhiệt không còn mà thay vào đó là những căn nhà “cao cẳng” chất đầy ngư lưới cụ dưới sàn khô ráo và ngăn nắp.
Ông Trần Văn Trân tỏ ra tiếc rẻ vì những cái dớn được ông chuẩn bị sẵn nhưng chưa có cơ hội mang đi đặt bắt cá.
Tiếc 5 cái dớn dài hơn 1.000m để trong sàn nhà, ông Trần Văn Trân, ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang), kể mọi năm tháng này, trên đồng nước đã ngập sâu hơn 1m. Sàn nhà ông nước cũng lên lé đé. Nước lên nhanh, lúa ngoài đê bà con thu hoạch không kịp phải nhờ bộ đội cắt giúp. Nhưng theo ông Trân, quan trọng nhất là nước lên có cá để đánh bắt cải thiện đời sống mà đến giờ nước vẫn chưa đổ về làm bà con ai cũng lo lắng. “Mọi năm, mùa đánh bắt, tôi làm nhỏ cũng dư khoảng 15 triệu đồng có tiền chi phí phân thuốc cho vụ lúa sau. Năm nay, tôi cũng chuẩn bị 5 cái dớn dự định có nước ra đồng đặt kiếm cá mà giờ chỉ để không…! Bà con ở đây phần lớn sống nhờ vào nghề đánh bắt cá mùa nước nổi, năm nay không có nước coi như trắng tay”- ông Trân nói.
Ở gần đó, anh Đỗ Văn Hùng vừa kiểm tra lại giàn lưới vừa nói: “Những người theo nghề đánh bắt cá toàn là hộ nghèo, không đất nên chỉ biết giăng câu, giăng lưới. Năm nay, đồng không có nước người sống bằng nghề con cá cũng chẳng biết làm gì khác”. Anh Hùng cho biết thêm gia đình anh không đất, 4 miệng ăn hằng ngày trông chờ vào nghề đẩy xe bán rau cải của vợ anh dọc theo tuyến lộ xã. Anh từng đi ra tỉnh khác làm nhưng vẫn trông đến mùa nước nổi trở về quê kiếm sống để gần vợ con.
Cũng dọc theo tuyến đường về xã Vĩnh Hội Đông, những năm trước đây là thời điểm bà con mang cá linh non ra bán rất nhiều, giờ chỉ bán toàn cá nuôi. Chị Phạm Thị Thúy, thương lái chuyên thu mua cá ở huyện An Phú, cho biết: “Mọi năm giờ là lúc tôi tập trung mua cá linh non mỗi ngày từ 100-150 kg, bán lại lời hơn 300.000 đồng. Năm nay không có cá linh nên tôi chuyển qua mua cá nuôi bán lại lời chỉ khoảng hơn 100.000 đồng/ngày”.
Ông Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, cho biết toàn xã có khoảng 100 hộ sống chủ yếu nhờ vào nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi. “Xã còn rất nhiều hộ thuộc diện nghèo khó nên nghề đánh bắt cá giúp họ cải thiện đời sống rất nhiều. Hằng năm, vào mùa này mỗi hộ sau khi trừ hết chi phí cũng kiếm vài chục triệu đồng. Nhiều hộ đã chuẩn bị sẵn phương tiện để đánh bắt, giờ nước không về thì họ gặp khó khăn thật sự. Mà ngư lưới cụ treo trên giàn không sử dụng cũng sẽ hư hỏng hết”- ông Phương nói.
Nguy cơ xâm nhập mặn
Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, cho biết mực nước các sông trên địa bàn tỉnh An Giang dao động chủ yếu theo thủy triều, chịu ảnh hưởng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong và việc vận hành công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc Kiên Giang. Từ giữa tháng 6 đến nay, mực nước cao nhất/thấp nhất ngày đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức xấp xỉ và thấp hơn báo động 1 (tại Tân Châu: 3,5m; Châu Đốc: 3m), thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm và thấp hơn đỉnh lũ năm 2018, thời gian xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10. “Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong”- ông Ninh cảnh báo.
Tuyến kinh Bảy Xã - nơi lũ về sớm nhất ở An Giang đến giờ nước vẫn thấp hơn mặt ruộng phía trên rất nhiều. Ảnh: Bình Nguyên
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cũng cho biết một năm trung bình sông Mekong có tổng lượng nước là 475 tỉ m3, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11% số đó. Vì vậy, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về. “Nước ở lưu vực Mekong ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau Tết Nguyên đán”- ông Thiện nói.
Ông Thiện khuyến cáo đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu. “Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 thì ít có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn cực đoan. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn, vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn vô ích. Đó là vì những vùng mặn ở ĐBSCL như ở Bán đảo Cà Mau, mặn là từ trong đất ra. Trong quá trình bồi đắp vùng này, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi vòng đường biển vào bồi đắp Bán đảo Cà Mau, nên đất ở đây mặn. Vùng này có được 6 tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống. Trong những năm khô hạn, mưa ít và sông Hậu rất yếu thì dù có đóng cống ngăn mặn thì bên trong vẫn mặn vì không đủ nước ngọt bên trong” - ông Thiện nói.
Sản xuất sẽ khó khăn
Trước nguy cơ năm nay không có mùa nước nổi, ngoài chuyện trước mắt không đánh bắt cá được thì hệ lụy sản xuất mới là điều mà hầu hết nông dân ở vùng đầu nguồn lo âu. Ông Trần Văn Trân cho biết, ông có 20 công ruộng, trong đó 10 công nằm ngoài đê bao thường ngập nước và làm đạt năng suất rất cao sau mùa nước nổi. Nhưng tình hình năm nay khiến ông rất bất an. “Tôi lo nhất là vụ đông xuân tới, nước không tràn đồng sẽ không có phù sa, lúa bị giảm năng suất. Ngoài ra mầm bệnh trên ruộng không được rửa trôi sẽ có nguy cơ bùng phát, đặc biệt là chuột phá hại”- ông Trân nói. Ông Huỳnh Công Phương cũng cùng quan điểm và lo lắng vụ lúa tới vì nước không về chắc chắn năng suất lúa sẽ giảm trong khi chi phí sản xuất tăng, đặc biệt sẽ có một lượng lớn lao động tiếp tục dịch chuyển về các tỉnh khác để kiếm việc làm làm xáo trộn đời sống xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết rất có khả năng mùa nước nổi năm nay không về thì trước mắt bà con nuôi thủy sản như tôm càng xanh, cá lóc sẽ gặp khó khăn. Nhiều người đã nuôi con giống trong ao, chuẩn bị thả ra đồng khi nước lên, nhưng nếu nước không lên ngập đồng thì không thả ra được. Hoặc nếu thả thì phải bơm nước, nhưng nước bơm lên không phải là nước lũ và không có thức ăn tự nhiên trong đó, như vậy chi phí thức ăn sẽ tăng cao. “Năm nay mùa lũ không về thì nguồn thủy sản tự nhiên sẽ giảm, cuộc mưu sinh của những người dân đánh bắt thủy sản tự nhiên sẽ gặp khó khăn. Sau một năm khô hạn như thế thì năm sau dù có lũ trở lại cá vẫn sẽ ít vì chưa kịp phục hồi”- ông Thiện nói.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, mực nước trên sông Mekong qua ĐBSCL thấp so với cùng kỳ. Đó là chỉ dấu cho thấy mùa lũ sắp tới nếu có cũng sẽ rất thấp và dẫn tới các hệ quả là phù sa ngày càng ít dần, lượng thủy sản ít, không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa và không rửa được tạp chất khác trong đất. Qua đó làm ảnh hưởng đến năng suất lúa và cây trồng. Về giải pháp là cần khuyến cáo ngay việc giảm tối đa diện tích sản xuất lúa, trữ nước mưa nhiều nhất có thể. Ngoài ra tranh thủ những lúc triều cường dâng cao đẩy nước ngọt vào đồng ruộng cần có giải pháp giữ lượng nước này ở lại, trong đó những khu vực trũng có thể tính tới việc nạo vét cho sâu. Ngoài ra là chọn những giống cây trồng ít sử dụng nước để gieo trồng.