Trắng đêm giữ đê biển Tây

Thứ ba, 06 Tháng 8 2019 09:51 (GMT+7)
Do ảnh hưởng của bão số 3, triều cường dâng cao kỷ lục, nước mặn tràn vào vùng ngọt, đê biển Tây (Cà Mau) có nguy cơ bị vỡ. Hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương gia cố đoạn đê biển bị sạt lở nghiêm trọng trước đó tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng khác được huy động và làm mọi giải pháp không để vỡ đê, làm ảnh hưởng đến sản xuất của hàng chục ngàn hộ dân bên trong.

Lực lượng vũ trang hỗ trợ hộ đê

Triều cường kỷ lục

Vào chiều 3-8, người dân xã Khánh Bình Tây và xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) một phen hú vía vì hiện tượng thời tiết cực đoan. Dông kéo theo triều cường dâng cao kỷ lục, nước mặn tràn vào vùng ngọt. Một đoạn đê dài hơn 300 m giáp ranh 2 xã này có nguy cơ bị sóng đánh vỡ bất cứ lúc nào. Đây là điều người dân địa phương chưa từng chứng kiến trong đời. Ông Trần Văn Kim (ở ấp Kinh Mới, xã Khánh Hải) cho biết cả buổi chiều hôm đó trời mưa. Đến khoảng 15 giờ thì gió giật rất mạnh, thủy chiều lên rất nhanh. Đê phòng hộ trước nhà ông mới được gia cố, cao chừng 3 m nhưng thủy chiều lên gần bằng mặt đê. Đoạn giáp cống Kinh Mới mặt đê thấp nên nước mặn tràn vào ào ào. Cánh nhà ông chỉ vài trăm mét, một đoạn đê không còn rừng phòng hộ bên ngoài bảo vệ bị sóng lớn đánh liên tiếp. Khi triều cường lớn cũng là lúc bà con rất hoảng sợ vì có thể vỡ đê bất cứ lúc nào. “Vào mùa mưa bão hằng năm, bà con nơi đây vẫn thường phải đối mặt với thời tiết mưa gió. Tuy nhiên, cơn dông kéo theo triều cường lên cao đến gần mặt đê, rồi sóng lớn đánh phủ luôn lên đê như vừa qua là lần đầu tiên chúng tôi thấy. Khủng khiếp lắm, tôi cứ nghĩ là... vỡ đê”- ông Kim chia sẻ.

Ngay sau đó, các lực lượng chức năng từ xã đến tỉnh được huy động đến hiện trường. Tuy nhiên, sóng lớn tác động mạnh lên không ai có thể tiếp cận vị trí sạt lở. Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, nhiều hộ dân sống dưới chân đê được di dời khẩn cấp. Giải pháp trước mắt được đưa ra là chủ động đưa đất vào bao để ngăn nước mặn tràn vào vùng ngọt. Rất may, cơn triều cường chỉ kéo dài khoảng 1 giờ nên đê biển Tây Cà Mau “không vỡ trận”. Tuy nhiên, hiện trường “cơn giận dữ” của thiên nhiên để lại khiến ai cũng lo lắng.

Túc trực 24/24

Tại điểm sạt lở dài hơn 300 m thuộc ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, chân đê biển Tây bị sạt lở nham nhở. Có những đoạn mái đê bị sóng biển đánh mất, sạt lở sâu vào tới thân đê. Hàng trăm người được huy động đến hiện trường khẩn cấp khắc phục. Với sự hỗ trợ của cơ giới, hàng kè tràm dưới chân điểm sạt lở nhanh chóng được cố định. Việc vận chuyển đất để gia cố chân đê được lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng vũ trang thực hiện khẩn trương.

Bằng mọi giải pháp không để xảy ra vỡ đê

Anh Trần Bá Ni, một trong những dân quân tự vệ có mặt tại hiện trường sớm nhất, cho biết anh đã túc trực tại điểm sạt lở 2 ngày qua. Đêm ngày 3-8 khi lực lượng mới chỉ huy động được vài chục người thì anh và những anh em ở đây phải thức trắng đêm để canh sạt lở. “Đây là lần tôi được huy động khẩn trương đến như vậy. Khi đến hiện trường, tôi mới thấy hết được sự khủng khiếp. Nước dân cao khoảng 2 m và mọi người đều làm hết sức lực để bảo vệ đê. Bảo vệ đê là bảo vệ nhà cửa, ruộng lúa của gia đình tôi và của bà con” - anh Ni tâm sự.

Số lượng người được huy động đến hộ đê khoảng 300 người. Nhiều người đã ăn nằm tại đây suất 2 ngày qua khắc phục sạt lở. Riêng trong ngày 4-8, các lực lượng đã tấn được 7.000 bao tải đất, đóng gia cố 2.500 cừ tràm để xử lý được 150 m đê bị sạt lở nguy hiểm nhất. “Mọi lực lượng của tỉnh, huyện, xã và cả lực lượng vũ trang đã được huy động đến hiện trường nhanh nhất có thể. Hiện nay, ngoài xử lý hộ đê chúng tôi cũng đang đưa đất vào bao cát để phòng khi nước dâng, kịp thời xử lý. Tuyệt đối không lơ là, bằng mọi giải pháp không để nước mặn tràn vào vùng ngọt ảnh hưởng sản xuất và đời sống người dân”- ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau thông tin.

Hiện nay, việc duy trì lực lượng, khắc phục sạt lở tiếp tục được triển khai. Trước hiện tượng thời tiết cực đoan có thể đến bất cứ lúc nào, lực lượng chức năng địa phương còn duy trì trực 24/24 tại điểm sạt lở này. Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây cho biết: “Đoạn sạt lở này đã mất hết rừng phòng hộ, nếu sóng lớn lại nổi lên, nguy cơ gây vỡ đê vẫn xảy ra. Những ngày qua, các lực lượng đã nhanh chóng mặt hỗ trợ khắc phục địa phương rất yên tâm. Tuy nhiên, các giải pháp đang là tạm thời, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ để người dân yên tâm phát triển sản xuất”.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong những ngày qua đã làm 1 người chết, 1 người bị thương. Có 91 căn nhà bị sập, 472 căn nhà tốc mái. Tình trạng thủy chiều dâng cao đã làm ngập hơn 1.800 căn nhà, 1 trường học và 2.540 m lộ giao thông...  Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 22 tỉ đồng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, mưa lớn kết hợp với nước biển dâng cao bất thường làm cho nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3 – 0,4m. Nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tỉnh – Kinh Mới với chiều dài 12,5 km. Đặc biệt, đoạn sạt lở thuộc ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời với chiều dài 356 m, có nguy cơ vỡ đê.

Bài, ảnh: Hiếu Nghĩa  - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội