Lũ “cạn”, xâm nhập mặn và giải pháp ứng phó

Thứ ba, 06 Tháng 8 2019 16:03 (GMT+7)
Theo dự báo của các nhà khoa học, hiện mực nước ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Biển hồ và trên sông Mekong đang ở mức thấp kỷ lục. Điều này khiến cho mùa lũ năm 2019 sẽ về muộn, thấp và kéo theo các vấn nạn như: hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sản xuất... Ngay từ bây giờ, các địa phương trong vùng ĐBSCL, đặc biệt là TP Cần Thơ cần có giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn…

Mùa nước “cạn”

Những ngày cuối tháng 7-2019, dọc theo các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 ở huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai và quận Ô Môn, Thốt Nốt, mực nước trên các dòng sông, kênh, rạch xuống thấp, trong veo gần như không có màu phù sa. Ở tuyến kênh Láng Sen, mực nước còn thấp hơn mặt ruộng. Ông Nguyễn Văn Bá, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: “Mọi năm, vào tháng 6, tháng 7 âm lịch trời mưa nhiều, nước dưới kênh lên cao, đỏ phù sa. Nhưng năm nay, mưa ít, nước đầu nguồn kém dòng kênh thấp nước. Mấy ngày qua, trời nắng nóng liên tục, không mưa nên bà con phải bơm nước vào ruộng lúa. Những năm trước, tình trạng này không xảy ra, sản xuất lúa không cần bơm tát tốn chi phí như hiện nay”.

TP Cần Thơ tăng cường công tác nạo vét, khai thông dòng chảy, phục vụ sản xuất khi mùa lũ về.

Hiện tại mực nước tại các tuyến kênh, rạch thấp và gần giống như những con nước kém vào mùa tháng 2, tháng 3 âm lịch. Ông Võ Văn Thành, ngụ tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Theo cảnh báo của ngành chức năng, mùa nước nổi năm nay sẽ về ít và muộn so với những năm trước, khiến nông dân lo lắng. Bởi nghề nông phải dựa vào nguồn nước, lượng phù sa do lũ mang về. Mọi năm, mùa này đồng ruộng chỉ cần khai bờ bao, bờ đê là nước dưới sông, kênh, rạch tự chảy vào ruộng lúa. Lũ ít, muộn, người dân sẽ tiếp tục khó khăn bởi không đánh bắt được cá, tôm, còn ruộng rẫy sẽ bị chuột, sâu rầy phá hoại, chi phí sản xuất tăng lên rất cao, cuộc sống sẽ càng bấp bênh hơn”.  

Năm 2019, mực nước trên sông Hậu cũng như các sông, rạch trên địa bàn thành phố có nhiều thay đổi, bất thường, không thuận lợi cho sản xuất. Điển hình vào tháng 4, thời điểm thu hoạch lúa hè thu thì mực nước lên rất cao, ruộng lúa ngập sâu gây khó khăn trong thu hoạch. Nhưng, đến thời điểm cuối tháng 6 đến nay thì mực nước xuống rất thấp, ảnh hưởng đến sản xuất lúa thu đông 2019. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Từ tháng 6, tháng 7 nước sông Mekong đổ về hạ lưu ĐBSCL. Tuy hiện thời thấy lượng nước mặt vẫn còn trên sông Tiền, sông Hậu nhưng theo dõi số liệu thực đo cho thấy mức nước hiện tại thấp hơn nhiều so cùng kỳ và dao động theo triều. Nước về vùng hạ nguồn ít còn do các đập thủy điện chứa nước ở thượng nguồn, đồng thời còn dựa vào sự vận hành của các đập. Mực nước đo trên sông Mekong tại Vientiane, Chiang Saen (Lào) và Phnom Penh (Campuchia) thấp kỷ lục so với trung bình nhiều năm. Do đó, lượng nước thượng nguồn về giảm sẽ không còn đủ để đẩy lượng mặn ra biển. Nước mặn từ biển đưa vào ĐBSCL, ảnh hưởng đến canh tác, nhất là các vùng trồng lúa và nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân trong vùng...”. 

Giải pháp 

 Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo, vụ mùa thu đông 2019 và đông xuân 2019-2020, vùng ĐBSCL cần tiếp tục tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế của từng tỉnh, thành và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả kinh tế hơn (cây ăn quả, các loại rau, hoa, cây dược liệu) và chuyển sang nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất. Theo đó, vụ lúa thu đông 2019, ĐBSCL gieo sạ với diện tích 700.000ha (giảm khoảng 40.620ha so với vụ thu đông 2018), thực hiện xả lũ khoảng 30.000ha và chuyển đổi khoảng 10.000ha sang cây trồng cây khác, nuôi trồng thủy sản... Việc giảm diện tích lúa thu đông 2019 do dự báo mưa ít, lũ về muộn nên một số địa phương gặp khó khăn và tăng cao chi phí trong sản xuất.

Ở TP Cần Thơ, đến nay đã xuống giống lúa thu đông hơn 60.700ha, vượt gần 2% do với kế hoạch. Năm nay, nước lũ về chậm và ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất lúa thu đông. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số địa phương phải bơm tát nước vào đồng ruộng do nắng nóng kéo dài, nước trên sông, kênh, rạch xuống thấp… Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều công trình thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy và có thể trữ nước trong mùa khô. Theo dự báo lũ năm nay về ít và muộn, chúng tôi chỉ đạo ngành nông nghiệp các quận, huyện tùy tình hình thực tế tranh thủ giữ nước trong các đê, bao nhằm phòng ngừa, phục vụ sản xuất khi có hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện…”.

Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra” với 8 trạm quan trắc độ mặn tự động trên sông ở địa bàn TP Cần Thơ sẽ được phát huy trong thời gian tới. Ông Đoàn Thanh Tâm, Trưởng Ban quản lý Dự án, cho biết: “Các trạm quan trắc độ mặn của dự án cảnh báo nhanh về diễn biến độ mặn ở các sông chính của thành phố. Những thông tin, dữ liệu về độ mặn xuất hiện trên các sông có lắp đặt trạm đo đều được chúng tôi chuyển tải, cung cấp kịp thời đến các sở, ngành liên quan và người dân trên địa bàn. Từ đó, các đơn vị này có biện pháp ứng phó, hạn chế tác hại do xâm nhập mặn gây ra”.

 Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ngay thời điểm này các địa phương trong khu vực ĐBSCL cần thực hiện quyết liệt hành động chống hạn như khai thông dòng chảy, xây dựng ao hồ chứa nước ngọt... Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, cho biết: “Hiện nay, dòng chảy thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL đang diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Để có thông tin kịp thời về tình trạng mặn xâm nhập thời gian tới, nguồn nước và xây dựng kế hoạch vận hành các cửa cống, các giải pháp chống hạn mặn, đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo mặn của viện. Từ đó có kế hoạch triển khai ứng phó kịp thời, tránh bị thiệt hại trong sản xuất...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội