Ngày 6-8, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết đoạn đê xung yếu bị sạt lở nghiêm trọng có chiều dài khoảng 300 m ở đê biển Tây (thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cơ bản đã xử lý xong. Bên cạnh đó, ngành chức năng địa phương sẽ tiếp tục xử lý và hộ đê đối với những đoạn đê xung yếu còn lại. "Tuy tình hình đoạn đê trên tương đối ổn nhưng các ngành chức năng vẫn duy trì lực lượng túc trực 24/24 để kịp thời xử lý khi có diễn biến xấu xảy ra. Trong chiều nay, lãnh đạo tỉnh sẽ ban bố tình huống khẩn cấp để huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo vệ đê biển Tây. Về lâu dài, địa phương sẽ làm đê kè kiên cố để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản" - ông Nam cho hay.
Đoạn đê biển %Tây hơn 300m có nguy cơ vỡ đã tạm thời được khắc phục
Trước đó, do ảnh hưởng của mưa, thủy triều dâng cao kết hợp với sóng biển mạnh liên tục đánh vào thân đê biển Tây làm nhiều đoạn đê bị sạt lở nghiêm, nguy cơ bị vỡ rất cao.
Trước tình hình trên, các ngành chức năng ở Cà Mau đã huy động nguồn lực quân đội, dân quân tự vệ dùng cừ tràm, vải địa… để gia cố đê. Đồng thời, dùng bao tải chứa đất đắp trên mặt để ngăn không cho nước mặn tràn vào vùng ngọt hóa bên trong đê.
Tuyến đê phòng hộ biển Tây có vai trò ngăn mặn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt trực tiếp cho 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nếu đê vỡ thì cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân nơi đây sẽ bị ảnh hưởng và hàng chục ngàn ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng sẽ bị thiệt hại nặng.
Tổng hợp mới nhất từ UBND tỉnh Cà Mau, đến sáng 6-8, ảnh hưởng của thời tiết cực đoan và triều cường bất thường những ngày qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã làm 1 người chết, 1 người bị thương; sập hoàn toàn 133 căn nhà, tốc mái 632 căn nhà; ngập 1.743 căn nhà, 1 trường học và 2.540m lộ giao thông. Tổng tài sản thiệt hại ước tính ban đầu hơn 28 tỉ đồng.
Cùng ngày, theo ghi nhận của phóng viên, thời tiết tại Cà Mau vẫn còn mưa nặng hạt, tuyến đê xung yếu biển Tây vẫn còn trong tình trạng bị đe dọa bởi sóng biển và triều dâng. Đặc biệt, 300m đê vừa được gia cố bằng 7.000 bao tải đất và 2.500 cây cừ tràm đã tạm thời ngăn được sóng biển tràn vào vùng ngọt hóa, đe dọa nhà dân nhưng vẫn còn khá mong manh trước sức tàn phá của sóng biển. Nếu tình hình mưa bão kéo dài thêm trong những ngày tới vẫn có nguy cơ vỡ rất cao. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã cắt cử lực lượng hàng chục dân quân tự vệ túc trực 24/24 để phòng ngừa sự cố xảy ra.
Lực lượng chức năng đang cố ra sức bảo vệ đê biển Tây hôm 4-8
Một chiến sĩ trực hộ đê cho biết những ngày qua mưa kéo dài liên tục. Đặc biệt, từ ngày 5-8 đến sáng 6-8 trời vẫn mưa rất to và chưa có dấu hiệu dứt, sóng đánh dữ dội khiến lực lượng hộ đê rất lo âu. Tuy nhiên, đoạn đê vừa gia cố vẫn đứng vững trước sóng biển và thủy triều dâng cho đến thời điểm này.
Trước cảnh tượng thiên tai chưa từng thấy, nhiều hộ dân sống trong những ngôi nhà xập xệ cạnh chân đê biển Tây chủ động di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn, nín thở cầu nguyện cho thiên tai không cướp mất những ngôi nhà của họ. "Sống hàng chục năm ở đây chúng tôi chưa từng thấy cảnh tượng đáng sợ như vậy. Mưa giông vùi dập, sóng đánh ầm ầm cao gần 2 thước, có cảm giác như con đê đang bị nuốt chửng. Chúng tôi chỉ còn cách di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn và nín thở cầu nguyện cho đê không bị vỡ. Bằng không hàng loạt ngôi nhà sẽ phải làm mồi cho sóng dữ"- bà Nguyễn Thị Ten, một người dân sống cạnh đoạn đê vừa gia cố, bàng hoàng kể lại.
Trước sự đe dọa chưa dừng lại của sóng biển, nhiều hộ dân sống phía trong đê biển Tây đã di chuyển đồ đạc, bỏ "vườn không nhà trống"
Còn tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, mưa vẫn nặng hạt từ ngày 5 đến ngày 6-8, sóng biển vẫn vỗ ầm ầm vào đoạn kè hơn 200m bằng thân cây dừa của cư dân khóm 6A. Hai ngày trước, sóng biển bất ngờ dâng cao, lùa vào cả thị trấn ven biển này. Riêng khóm 6A nằm sát bờ biển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, toàn bộ dân cư phải di dời khẩn cấp, vật dụng trong nhà bị thiệt hại hoàn toàn.
Ông Nguyễn Công Danh vừa lúi húi đóng từng mũi đinh cố định lại mái nhà vừa bị tốc chiều hôm trước, nói: "Gần 70 tuổi, tôi chưa bao giờ thấy cảnh nước biển dâng nhanh và cao đến thế. Chỉ trong tích tắc, cả xóm bị cuốn trôi hết đồ đạc".
Người dân khóm 6A, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời bị thiệt hại nặng trong mưa dông và nước biển dâng những ngày qua
Phía ngoài bờ kè tạm bằng cây dừa, bà Dương Thị Tám (70 tuổi) vẫn lom khom bới đống rác tìm vật dụng của gia đình còn sót lại. "Nhà không còn một bộ đồ, không còn cái chén, đôi đũa để ăn cơm. Giờ cả xóm ai cũng bận bịu khắc phục thiên tai nên đâu ai giúp ai được" – bà Tám than thở.
Nhiều căn nhà khác sập nửa mái, vật dụng trôi dồn lại 1 góc, nhưng vì chủ nhà đi vắng nên chưa dọn dẹp. Tất cả vật dụng trong nhà không trôi đi nhưng hư hỏng hoàn toàn.
Không để người dân sống cảnh "màn trời chiếu đất"
Sáng 6-8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng đoàn công tác của UBND tỉnh đến thăm, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai xảy ra trên địa bàn mấy ngày qua.
Đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ cho các hộ dân có nhà sập hoàn toàn ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ trước những tổn thất, mất mát đã xảy ra và động viên người dân ổn định tinh thần, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải thăm, hỗ trợ và động viên những gia đình bị thiệt hại ổn định cuộc sống
"Thiên tai và thời tiết cực đoan càng diễn biến thất thường, phức tạp, nhiều lúc không theo quy luật. Trong đó, dễ tổn thương nhất là các vùng ven biển. Vì thế, bà con cần nâng cao ý thức cảnh giác, phối hợp và chung tay tốt hơn nữa với cơ quan chức năng và các cấp chính quyền trong việc trồng và bảo vệ rừng làm-lá chắn hữu hiệu giúp cư dân ven biển giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra".
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại về người, nhà ở do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định. Không để người dân bị đói và sống trong cảnh "màn trời chiếu đất".