Nan giải gỡ vướng BOT Trung Lương - Mỹ Thuận

Thứ tư, 07 Tháng 8 2019 16:01 (GMT+7)
Những ngày vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và tỉnh Tiền Giang đã có những bước đi rất cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, đẩy nhanh xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn phụ thuộc rất lớn vào ngân hàng.

Tỉnh muốn nhanh, nhưng vướng vốn

Ngày 1-8 vừa qua, tại cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, cùng đại diện các bộ, ngành, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Tư vấn giám sát nhằm thống nhất một số vấn đề để chính thức ký phê duyệt điều chỉnh dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Hưởng khẳng định tỉnh sẽ làm hết trách nhiệm trong thẩm quyền của tỉnh.

Ngay sau cuộc làm việc này, tỉnh Tiền Giang đã cùng nhà đầu tư rà soát lại và ký phê duyệt điều chỉnh dự án, để khẩn trương mời Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại “chốt” phương án cho vay vốn đầu tư dự án. Đây là nút thắt quan trọng nhất quyết định dự án có làm được hay không. Tỉnh Tiền Giang cử Giám đốc Sở Xây dựng và Sở GTVT trực tiếp làm việc với Bộ GTVT để giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án.

Một trong những vướng mắc đó là vấn đề tăng hay giảm chi phí (mà tăng chi phí chủ yếu là do giá vật liệu trong Tổng mức đầu tư dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt không còn phù hợp so với hiện nay). Ông Nguyễn Văn Hưởng nói: “Điều quan tâm của tỉnh là phương án kỹ thuật đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ hoàn thành dự án sẽ quyết định vấn đề này. Sớm một ngày có lợi cho đất nước bao nhiêu mới là quan trọng và mang ý nghĩa lớn nhất chứ không phải là tăng vài trăm tỷ đồng".

Nhà đầu tư xây dựng tiến độ thi công chi tiết để UBND tỉnh kiểm soát chặt chẽ và phân bổ kinh phí đúng tiến độ dưới sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Cục Quản lý chất lượng công trình Bộ GTVT để tránh những sai sót và rủi ro chất lượng về sau. “Tỉnh sẽ làm hết trách nhiệm để thực hiện đúng tiến độ mà Thủ tướng đã chỉ đạo”- Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.

Chờ đợi vốn vay từ ngân hàng

Trên tinh thần “làm hết trách nhiệm”, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận mong muốn tỉnh Tiền Giang tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng BOT trước 10-8-2019 để làm cơ sở cho Ngân hàng thẩm định vay vốn và thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo tiến độ dự án. Trên cơ sở nguồn vốn ngân sách nhà nước được Chính phủ bố trí cho dự án, nhà đầu tư cũng kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện các thủ tục giải ngân kinh phí giải phóng mặt bằng để hoàn trả phần vốn doanh nghiệp dự án đã ứng ra trước đây cho tỉnh chi trả công tác giải phóng mặt bằng.

Để đảm bảo tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ông Mai Mạnh Hồng cho rằng, trên cơ sở cơ cấu nguồn vốn theo phương án tài chính đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo các Ngân hàng hợp vốn xác định khả năng tài trợ vốn để giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn tất thủ tục thẩm định tài trợ vốn, đảm bảo điều kiện giải ngân và tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và Bộ GTVT về tỷ lệ các nguồn vốn tham gia dự án. Đồng thời, thu xếp vốn vay ngắn hạn cho Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện dự án trong khi chờ thủ tục bố trí vốn Ngân sách Nhà nước và thẩm định tài trợ vốn tín dụng, tránh việc phải dừng dự án do không có nguồn vốn thi công.

Các bên có liên quan cần phải có trách nhiệm cùng đẩy nhanh tiến độ dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. 

Về điều kiện của của ngân hàng tài trợ vốn đưa ra rằng nguồn vốn ngân sách  nhà nước tham gia trước khi các tổ chức tín dụng hợp vốn giải ngân, ông Mai Mạnh Hồng cho rằng: “Việc vốn ngân sách nhà nước được phân bổ theo kế hoạch còn phải phụ thuộc vào quá trình bố trí kế hoạch, thực hiện giải ngân cho nên quy định này cần nghiên cứu xem xét lại cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong trường hợp khó khăn không thể cho vay, chúng tôi đề nghị các ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nứớc, Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn khác để triển khai dự án”.

Để giải quyết dứt điểm dự án đã đình trệ đến 1 thập kỷ qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và đưa ra những giải pháp rất cụ thể. Thủ tướng đã kết luận: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam... Đòi hỏi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các bộ, ngành và cả hệ thống chính trị tại địa phương. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị đối với 20 triệu đồng bào tại ĐBSCL… Thủ tướng cũng chỉ đạo: Về vốn tín dụng, UBND tỉnh Tiền Giang cùng với nhà đầu tư dự án làm việc với các ngân hàng để giải quyết nguồn vốn vay, đảm bảo yêu cầu tiến độ dự án. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại kịp thời bố trí nguồn vốn tín dụng cho dự án theo đúng quy định của pháp luật…

Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư, nhà thầu phải xem đó là trách nhiệm của mình đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhưng vốn vay tín dụng và điều kiện cho vay hiện tại đang là một trở ngại để thi công và đẩy nhanh tiến độ dự án, đã đến lúc ngành ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước phải thể hiện trách nhiệm của mình, trong khi đã ký hợp đồng tín dụng mà lại đưa ra nhiều điều kiện bất cập và vẫn chưa giải ngân cho vay tại dự án.

Tỉnh Tiền Giang vừa phê duyệt phương án tài chính tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 2-8-2019, tổng vốn đầu tư 12.668 tỉ đồng, giảm hơn 2.000 tỉ so với TMĐT ban đầu 14.678 tỉ đồng, trong đó vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2.186 tỉ đồng, vốn BOT 10.482 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, vốn huy động khác) 2.787 tỉ đồng, vốn vay ngân hàng 7.695 tỉ đồng.

ANH KHOA - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội