Vụ 10 cán bộ bị tạt xăng đốt khi thi hành án ở Cà Mau: Đã dự liệu trước tình huống

Thứ sáu, 09 Tháng 8 2019 08:28 (GMT+7)
Có tất cả 13 người bị thương trong vụ chống thi hành án bằng xăng xảy ra ở Cà Mau, trong đó 10 người bị bỏng và 3 người bị xây xát bởi hung khí

Chiều 8-8, tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ, ông Huỳnh Minh Hiệu, Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh Cà Mau, cho biết trong vụ chống cưỡng chế thi hành án xảy ra tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước xảy ra vào sáng 7-8 có 13 người bị thương. Trong đó có 10 người nhập viện do bị bỏng xăng. Hiện sức khỏe của những cán bộ này đã ổn định.

Theo thông tin của cơ quan thi hành án, trước khi tiến hành cưỡng chế, thành phần cưỡng chế tiếp tục động viên thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện tháo dỡ nhà trên diện tích 67,5m2 để chuyển giao quyền sử dụng đất cho người được thi hành án. Kết quả động viên, thuyết phục không thành công, người bị thi hành án có hành vi chống đối lực lượng tham gia cưỡng chế.

Vụ 10 cán bộ bị tạt xăng đốt khi thi hành án ở Cà Mau: Đã dự liệu trước tình huống - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Minh Hiệu, Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh Cà Mau thông tin diễn biến vụ việc cho báo chí

Sau khi bàn bạc, chấp hành viên chủ trì quyết định công bố quyết định cưỡng chế và tiến hành cưỡng chế. "Khi triển khai lực lượng công an, chính quyền địa phương và cán bộ thi hành án làm nhiệm vụ thì ông Phạm Hoàng Kiếm (chủ nhà) và vợ là bà Lê Thị Hiến cùng người thân chống đối quyết liệt. Đỉnh điểm là dùng xăng châm lửa, hất vào lực lượng tham gia cưỡng chế, đồng thời dùng hung khí nguy hiểm khác để chống đối. Hậu quả có 10 cán bộ tham gia làm nhiệm vụ bị bỏng, 3 người bị thương nhẹ do hung khí gây ra…", ông Hiệu thông tin.

Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng công an trấn áp và tạm giữ 5 người có hành vi chống đối người thi hành công vụ, còn 2 người trốn thoát.

"Trước khi thực hiện cưỡng chế chúng tôi đã dự liệu được tình huống này và đã có phương án đối phó. Cho nên khi các đối tượng dùng xăng tạt vào lực lượng tham gia cưỡng chế và châm lửa đốt, máy bơm đã được mở sẵn và dập lửa ngay lập tức. Tuy nhiên, do sức nóng của xăng rất lớn không tránh khỏi bị bỏng…", lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Nước thông tin thêm.

Vụ 10 cán bộ bị tạt xăng đốt khi thi hành án ở Cà Mau: Đã dự liệu trước tình huống - Ảnh 2.

Căn nhà của gia đình ông Kiếm sau khi bị cưỡng chế

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, gia đình ông Kiếm sống trên phần đất hơn 4.600 m2 do người em vợ là ông Lê Vũ Khi đứng tên sở hữu. Sau đó, ông Khi đã bán toàn bộ phần đất trên cho người khác và người này tiếp tục chuyển nhượng qua thêm chủ khác nhưng ông Kiếm và vợ là bà Hiến không chịu di dời. Lúc này, chủ đất đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

TAND huyện Cái Nước đưa ra xét xử và tuyên buộc gia đình ông Kiếm và vợ là bà Hiến phải di dời nhà cửa, tài sản để trả đất lại cho người mua. Song, vợ chồng ông Kiếm không đồng ý với bản án và làm đơn kháng cáo nhưng đã quá thời hạn theo luật định.

Theo ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước; trước khi cưỡng chế thi hành án, cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động và cho gia đình ông Kiếm mượn căn nhà tình nghĩa trên phần đất 3.000m2 để ở nhưng gia đình ông Kiếm không đồng ý.

Chưa khởi tố vụ án

Thông tin tại cuộc họp báo, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng Công an huyện Cái Nước, cho biết hiện cơ quan này đang tạm giữ 3 người để tiếp tục điều tra, gồm: Phạm Hoàng Kiếm (SN 1959); Lê Thị Hiến (SN 1967, vợ ông Kiếm) và Lê Thành Lập (SN 1949, anh vợ ông Kiếm), cùng ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú. "Hiện, Công an huyện Cái Nước đang tiến hành truy tìm 2 đối tượng có liên quan, khi làm rõ hành vi, mức độ vi phạm của các đối tượng mới quyết định khởi tố vụ án hay không", ông Minh nói.

DUY NHÂN - VÂN DU - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội