Phóng viên: Hiện nay, việc cai nghiện ma túy bắt buộc là một trong những phương pháp cần thiết vừa để giảm số người nghiện, vừa giảm hậu quả đáng tiếc do tác động của ma túy gây ra. Vậy trường hợp nào sẽ bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thanh Đông: Căn cứ Nghị định số 136/2016/NĐ-CP, ngày 9-9-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, ngày 30-12-2013 của Chính phủ, quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên không có nơi cư trú ổn định. Thời gian cai nghiện bắt buộc từ 12 đến 24 tháng do tòa án nhân dân nơi người nghiện cư trú phán quyết.
Bên cạnh áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cũng tiếp nhận, điều trị cai nghiện tự nguyện và khuyến khích cai nghiện tự nguyện để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Đồng chí Nguyễn Thanh Đông - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh. Ảnh: Ngọc Diễm
Phóng viên: Thưa đồng chí, nhằm khuyến khích, hỗ trợ người nghiện ma túy tự nguyện tham gia cai nghiện, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 06 "Thí điểm cai nghiện ma túy tự nguyện lần đầu không thu phí" giai đoạn 2018 - 2020, vậy đối tượng nào được cai nghiện theo đề án này?
Đồng chí Nguyễn Thanh Đông: Trước yêu cầu để người nghiện và gia đình được tiếp cận các dịch vụ cai nghiện và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 06/ĐA-UBND, ngày 17-8-2018 "Thí điểm cai nghiện ma túy tự nguyện lần đầu không thu phí" giai đoạn 2018 - 2020. Đối tượng áp dụng của Đề án số 06 có sự giới hạn hơn, chỉ áp dụng cho người lần đầu nghiện ma túy, có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú dài hạn (KT3) tại tỉnh, ưu tiên người thuộc diện gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng không còn người thân, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn...
Người cai nghiện tự nguyện theo đề án không tốn bất kỳ khoản chi phí nào, thời gian cai nghiện chỉ trong vòng 6 tháng. Dự kiến trong giai đoạn 2018 - 2020 sẽ thực hiện thí điểm cai nghiện cho 200 học viên.
Công tác cai nghiện hiện nay không còn là của người nghiện mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Do đó, để được hỗ trợ các biện pháp cai nghiện, gia đình hoặc người nghiện cần liên hệ chính quyền, đoàn thể địa phương nơi cư trú, hoặc qua số điện thoại: 02993.820974 để được tư vấn.
Phóng viên: Địa điểm điều trị cai nghiện ma túy hiện nay được đặt ở đâu, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thanh Đông: Hiện nay, tỉnh có 1 cơ sở cai nghiện ma túy (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), số 80, đường Hồ Nước Ngọt, Khóm 2, Phường 5, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc; tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện; tổ chức tiếp nhận người sử dụng, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Đồng thời, tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá, phân loại, xác định tình trạng nghiện, tổ chức điều trị, cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, tổ chức các hoạt động nâng cao thể lực; tổ chức các hoạt động trị liệu, tâm lý hành vi, tổ chức các hoạt động tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở cai nghiện ma túy.
Bên cạnh đó, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh còn tổ chức dạy nghề, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, nâng cao trình độ nhận thức; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao và các hoạt động văn hóa, xã hội cho học viên; đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động theo quy định của pháp luật. Hướng nghiệp và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp hỗ trợ về vốn, tạo việc làm, tham gia các hoạt động xã hội tại cộng đồng.
Phóng viên: Được biết thời gian qua, tỉnh cũng áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bằng Methadone, xin đồng chí cho biết cụ thể hơn?
Đồng chí Nguyễn Thanh Đông: Methadone là một dạng thuốc phiện tổng hợp dùng thay thế điều trị nghiện ma túy nhưng chỉ có thể áp dụng cho người đang nghiện hêrôin. Khi uống Methadone sẽ giúp người đang nghiện giảm liều và dần dần từ bỏ ma túy mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Methadone ít gây nghiện hơn ma túy, người sử dụng không phải tăng liều, hấp thu qua đường uống nên giảm được nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu khác. Tác dụng thuốc kéo dài 24 giờ nên những người được điều trị chỉ dùng thuốc 1 lần/ngày. Nhiều người nghiện kiên trì, tuân thủ quy định khi uống thuốc Methadone đã từng bước hồi phục sức khỏe, ổn định tâm lý, có thể làm việc, lao động bình thường.
Nơi điều trị nghiện hêrôin bằng Methadone đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, số 367, đường Lê Duẩn, Phường 9, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thêm, để hỗ trợ người cai nghiện ngoài cộng đồng, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội còn phối hợp với phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố thành lập "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng", đến nay đã được bao nhiêu điểm và chức năng chính là gì?
Đồng chí Nguyễn Thanh Đông: Đến nay, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh đã phối hợp với phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập được 9 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng ở: Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 4, Phường 6 (TP. Sóc Trăng); thị trấn Đại Ngãi (Long Phú); Phường 1 (T.X Ngã Năm); thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên); thị trấn Hưng Lợi (Thạnh Trị).
Chức năng, nhiệm vụ của các điểm này là tiếp cận, vận động người nghiện ma túy tham gia các chương trình điều trị; hỗ trợ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện xây dựng và thực hiện kế hoạch điều trị nghiện ma túy; kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng việc làm ổn định; đồng thời kết nối các nguồn lực tại địa phương hỗ trợ cùng sự tham gia của cộng đồng để giúp người sau cai nghiện hoàn lương tiến bộ.
Nghiện ma túy không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người nghiện mà còn kéo theo vô số những vấn đề phức tạp gây xáo trộn cuộc sống gia đình, cộng đồng, xã hội. Đây là những điểm điều trị nghiện cần thiết mà người thân, gia đình người nghiện và sau cai nghiện nên biết để có sự liên hệ, hỗ trợ khi cần thiết.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!