Ngày 11-8, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cho biết vừa có báo cáo chính thức gửi về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này về tình hình thiệt hại cũng nhưng công tác khắc phục hậu quả sau trận lụt lịch sử ở huyện đảo này.
Các chiến sĩ Công an phải vào tận các vùng bị nước lũ cô lập đưa người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Trường Giang
Theo đó, tình hình mưa lớn liên tục trên diện rộng, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đảo này với 63 km đường giao thông bị ngập trung bình từ 0, 7m đến hơn 2m nước và gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Đã có 8.424 nhà dân bị ngập và số tài sản kèm theo với tổng thiệt hại ước tính hơn 107 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 22 nhà dân khác bị tốc mái, sập hoặc sụp nứt. Nhiều diện tích hoa màu, gia cầm và thủy sản của người dân bị nhấn chìm trong biển nước nhưng may mắn không có thiệt hại về người.
Đặc biệt, vào thời điểm xảy ra thiên tai, các chuyến tàu cao tốc xuất, nhập đảo vẫn hoạt động bình thường. Toàn bộ các chuyến bay khởi hành từ Cảng Hàng quốc tế Phú Quốc đi nơi khác đã hủy. Các lực lượng chức năng ở địa phương và trung ương đóng quân trên địa bàn hỗ trợ di dời gần 2.000 người dân tại các vùng ngập sâu hoặc bị cô lập đến nơi tránh trú an toàn tại các trường học, trụ sở, các công trình kiên cố. Nguyên nhân gây ra tình trạng này được cho là do tình hình biến đổi khí hậu. Bởi chỉ trong vòng 8 ngày qua (từ ngày 2 đến 9-8), tổng lượng mưa ở đây đã đạt hơn 1.000 mm (trong khi lượng mưa trung bình tại Phú Quốc là 3.000 mm). Đây là lượng mưa kỷ lục lớn hơn so với trung bình nhiều năm nhưng lại diễn ra trong thời gian ngắn. Hơn nữa, thời điểm này lại trùng với nước biển dâng cao nên việc thoát nước từ sông, suối ra biển bị cản trở rất nhiều.
Nhờ được sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng chức năng được tăng cường mà Phú Quốc không để xảy ra thiệt hại về người trong trận lụt lịch sử vừa qua. Ảnh: Trường Giang
"Hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư xây dựng từ năm 2003 với quy mô đầu tư thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư sinh sống còn thưa thớt. Nhưng đến nay, tình hình Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và sản xuất, kinh doanh của người dân bị hạn chế. Mặc khác, các khu vực này hiện trạng trước đây có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hòa khi nước thoát không kịp. Hiện nay bị san lấp tôn nền nên hệ thống hố ga thoát nước thường xuyên bị đầy, gây tắc nghẽn vì rác thải và đất, cát từ các công trình xây dựng, dốc núi. Địa hình Phú Quốc có nhiều đồi dốc, tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm cùng với tình trạng người dân tự ý xây dựng lấn chiếm sông trong thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước từ các dốc núi đổ ra biển gây ngập lụt nặng tại các khu dân cư sinh sống ở ven sông, ven suối do thoát nước không kịp. Mặc dù huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc xử lý việc người dân tự tiện lấn chiếm sông, suối để xây dựng nhà ở, tuy nhiên, việc xử lý cũng chưa thật sự triệt để, từ đó góp phần làm cản trở dòng chảy", báo cáo nêu.
Nhiều chướng ngại vật cản trở dòng chảy cũng đã làm cho nhiều nhà dân ở khu vực trung tâm huyện Phú Quốc bị ngập sâu nên phải sơ tán. Ảnh: Trường Giang.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang xem xét đầu tư đồng bộ hạ tầng hệ thống thoát nước cho toàn đảo Phú Quốc; nghiên cứu đầu tư xây hồ điều tiết cho khu vực thị trấn Dương Đông; phân bổ thêm phao bè cứu sinh về cho địa phương.
Để giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, trong những ngày qua, Công an huyện Phú Quốc chủ động phối hợp cùng với chính quyền địa phương dùng ca nô, xuồng máy và các phương tiện, thiết bị, vật tư xuống các địa bàn bị ngập lụt; tham gia hỗ trợ dân sơ tán, di dời tài sản đến nơi an toàn, phối hợp với các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn và giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Sau khi nước lũ rút, gần 100 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên công an huyện này chia làm nhiều nhóm xuống từng địa phương làm nhiệm vụ khơi thông dòng chảy, nạo vét bùn, đất tại các tuyến đường dân sinh cũng như chùi rửa nhà cửa, dọn dẹp những vật dụng sinh hoạt bị bùn đất vùi lấp để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.
Nhiều chiến sĩ thấm mệt sau nhiều đêm vất vả giúp dân chống chọi với trận lụt lịch sử. Ảnh: Trường Giang.
Ông Dương Minh Luân (66 tuổi; ngụ tại tổ 13, ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc), cho biết vừa trở về nhà sau hơn một tuần được các lực lượng chức năng hỗ trợ tìm nơi trú ẩn an toàn. Thế nhưng, khi nhìn những vật dụng trong gia đình như bàn ghế, trang thiết bị đã bị bùn đất vùi lấp, ông Luân không khỏi xót xa.
Các lực lượng chức năng giúp dân dọn dẹp nhà cửa sau trận lụt lịch sử ở Phú Quốc. Ảnh: Trường Giang
"Tôi sống trên đảo này biết bao nhiêu năm rồi mà nay mới chứng kiến cảnh Phú Quốc bị ngập lụt nặng. Nếu như không có sự trợ giúp của Công an huyện Phú Quốc thì tôi cũng không biết phải làm sao vì đang sống một mình mà lại tuổi đã cao. Mấy chú đã quá nhiệt tình giúp cho người dân ở đây cũng như gia đình tôi chùi rửa lại bàn, ghế, nhà cửa, rồi dọn dẹp môi trường xung quanh nữa", ông Luân bộc bạch.