Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Nhấn mạnh cơ hội bình đẳng là rất quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc cho rằng cần có những chính sách để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ tham gia một cách chủ động, được học tập, hòa nhập và vươn lên mạnh mẽ.
Phát biểu tại hội thảo "Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau," do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 12/8 tại Hà Nội, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn coi vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc là chiến lược lâu dài, cơ bản và cấp bách; đồng thời tăng cường phát triển toàn diện vùng dân tộc miền núi, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; xác định công tác dân tộc là của toàn Đảng, toàn quân và cả hệ thống chính trị.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Đảng về công tác dân tộc, nhiều kết quả đã được ghi nhận, đặc biệt là công tác thể chế khi các chính sách pháp luật được thực thi và đi vào cuộc sống.
Theo bà Trương Thị Mai, việc lồng ghép các hệ thống chính sách là rất quan trọng; các cơ quan, ban, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu phát biển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để chính sách trở thành chiến lược lâu dài, bao quát toàn diện, có phạm vi, ưu tiên vấn đề, bố trí nguồn lực, cơ chế điều phối; đánh giá kiểm tra theo dõi điều chỉnh theo từng giai đoạn cụ thể.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng với những đặc điểm giới và định kiến xã hội đã tồn tại qua nhiều thế hệ, phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình và ngoài xã hội.
Họ đang phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng kép cả về dân tộc và giới. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Để đảm bảo công bằng, các chính sách cần hướng tới những cải cách thể chế và tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là những nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo nhất, ở những vùng xa xôi, cách trở nhất.
Nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi không ngừng được hoàn thiện và ưu tiên bố trí huy động nguồn lực để thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Các chính sách không chỉ hỗ trợ trực tiếp về đời sống người dân tộc thiểu số nói chung và cho phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng và mở ra nhiều cơ hội về sinh kế, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Nghị quyết 24 của Đảng về công tác dân tộc ra đời năm 2003 tạo đã điều kiện cho nhiều chương trình, chính sách đặc thù, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều chính sách hiện hành chưa được quan tâm lồng ghép giới, đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tế của lao động vùng dân tộc thiểu số, dẫn đến những bất lợi cho người dân trong tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ chính sách; khoảng cách giới trong các nhóm dân tộc thiểu số còn lớn và tồn tại dai dẳng ở hầu hết tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như kinh tế (bao gồm việc làm, thu nhập, tham gia thị trường); xã hội (giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe) và tham gia chính trị. Trong số đó, phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương.
Các đại biểu cho rằng một trong những rào cản lớn của phụ nữ dân tộc thiểu số là định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công trong bối cảnh phụ nữ dân tộc thiểu số thường nghèo và bấp bênh về thu nhập; họ bị tụt hậu trong trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hòa nhập xã hội. Đây là nguyên nhân dẫn tới phụ nữ dân tộc thiểu số đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Hội thảo cũng tập trung đánh giá những kết quả đạt được của chính sách và hoạch định chính sách vùng dân tộc thiểu số; giới thiệu và thảo luận các kết quả nghiên cứu về chính sách đối với phụ nữ dân tộc thiểu số; phân tích các chính sách hiện hành, đề xuất sửa đổi những bất cập của chính sách ở vùng dân tộc thiểu số nói chung và chính sách đối với phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng.
Hội thảo đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 24 để điều chỉnh chính sách vùng dân tộc thiểu số có trách nhiệm giới và đảm bảo bình đẳng giới đối phụ nữ dân tộc thiểu số.