Theo đó, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã cơ bản hoàn thiện các khung pháp lý cho việc triển khai dự án, bao gồm khung pháp lý cho việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước và khung pháp lý cho việc thẩm định phương án tín dụng của các ngân hàng tài trợ vốn.
Thep phụ lục hợp đồng vừa ký kết, tổng mức đầu tư của dự án là 12.668 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỉ đồng, vốn BOT 10.482 tỉ đồng. Trường hợp thay đổi tổng vốn đầu tư, vốn BOT thì vốn chủ sở hữu sẽ được điều chỉnh lại phù hợp.
Phụ lục hợp đồng xác định trường hợp nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 2.186 tỉ đồng không hoặc chưa được bố trí giải ngân năm 2019 theo kế hoạch thì nhà đầu tư có quyền đề xuất gia hạn hoặc hoãn, tạm dừng dự án. Mặt khác, trường hợp các ngân hàng thương mại không thu xếp nguồn vốn vay cho dự án hoặc những yêu cầu giải ngân bắt buộc với dự án mà nhà đầu tư không thể thực hiện thì nhà đầu tư và UBND tỉnh thống nhất báo báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết, đồng thời đề xuất bố trí nguồn vốn khác để thực hiện dự án.
Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang gấp rút thi công để đảm bảo tiến độ
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, khung pháp lý tại dự án cơ bản đã hoàn thành khi phụ lục hợp đồng được ký kết. Tuy nhiên, để có thể thông tuyến vào năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, ông Tuấn đánh giá cần nhiều nỗ lực. "Về phía tỉnh Tiền Giang sẽ cùng nhà đầu tư, doanh ghiệp dự án phối hợp đảm bảo tốt tiến độ của dự án" – ông Tuấn khẳng định.
Trong khi đó, theo ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, việc ký kết phụ lục hợp đồng mới chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng trong trong việc thẩm định nguồn vốn tín dụng cho dự án sắp tới. Ông Thủy cho biết sẽ tiếp tục cùng cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm việc với các tổ chức tín dụng để đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho việc thực hiện dự án.
Trước đó, ngày 7-8, UBND tỉnh Tiền Giang cùng Bộ Giao thông Vân tải, ngân hàng tài trợ vốn cùng nhà đầu tư và các bộ-ngành liên quan đã tổ chức làm việc để tháo gỡ vướng mắc cho dự án này. Tại đây, Bộ Tài chính khẳng định đã chuẩn bị sẵn kế hoạch sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để trình Thủ tướng chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bố trí phần vốn ngân sách nhà nước 2.186 tỉ đồng cho dự án, dự kiến có thể giải ngân trong tháng 9-2019.
Theo ông Mai Mạnh Hồng, Giám đốc Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và ấn định thời gian thông tuyến năm 2020, hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2021. "Vấn đề dự án có về đích, vận hành được vào năm 2021 hay không tuỳ thuộc rất nhiều về nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng" – ông Hồng nói.
Tại cuộc họp, nhà đầu tư khẳng định sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, nhưng sẽ không vay vốn ngân hàng bằng mọi giá khi đánh giá còn nhiều rủi ro, chưa có sự đồng hành của tỉnh Tiền Giang và ngân hàng cho vay; các cam kết không cụ thể sẽ dẫn đến nhiều huệ lụy mà nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu trong suốt vòng đời dự án. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT đều cam kết với đề nghị không thay đổi quy hoạch giao thông hiện nay làm thay đổi phân lưu theo tính toán tại phương án tài chính đã ký kết của ngân hàng tín dụng, trừ trường hợp có chủ trương khác của Quốc hội, Chính phủ.