Tại đây, nhiều đại biểu cho rằng ĐBSCL có tiềm năng và lợi thế nhưng nhiều chỉ tiêu còn “trũng”, thấp so với cả nước, đề nghị cần ưu tiên giải ngân cho ĐBSCL để cơ sở hạ tầng phát triển mới thu hút đầu tư, kết nối với vùng ĐNB, phát huy thế mạnh sẵn có.
Nhận định tại hội nghị, các đại biểu cho rằng ĐBSCL là vùng có nhiều lợi thế nhưng chưa phát triển được, nhiều chỉ tiêu “trũng”, thấp so với cả nước, nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ giải ngân cho vùng thấp và chậm. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần ưu tiên đầu tư, giải ngân cho vùng để phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo động lực cho ĐBSCL phát triển đúng với lợi thế vốn có.
Ví dụ, tại Kiên Giang, phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 là 7-8 ngàn tỷ đồng, nhưng địa phương chỉ nhận 60%. Hiện 40% số vốn còn lại trong vòng 2 năm tới không thể nào giải ngân hết làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của địa phương. Vì thế, cần giải ngân cho các tỉnh thế nào thì bám sát theo kế hoạch thế ấy, bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nói.
Với thực trạng đang diễn ra, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, nhận thấy vùng ĐNB là thị trường tiêu thụ xuất khẩu các sản phẩm thủy hải sản, trái cây cho vùng ĐBSCL.
ĐBSCL là nơi cung cấp lương thực thực phẩm, đặc biệt là cung cấp lực lượng lao động dồi dào cho vùng ĐNB, nên nhiều người ví vùng ĐNB là bệ đỡ cho phát triển ĐBSCL. Tuy nhiên, đánh giá về kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của hai vùng có sự chênh lệch.
Về tỷ lệ giải ngân vùng ĐBSCL có tỷ lệ giải ngân đến 30-7-2019 đạt 38,56%, cao hơn trung bình cả nước là 36,11%. Tuy nhiên, ĐNB có tỷ lệ giải ngân rất thấp, có thể nói thấp nhất trong 6 vùng cả nước, đạt 25,35%.
Cả 2 vùng không địa phương nào có tỷ lệ giải ngân 60% so với các vùng khác trên cả nước, chủ yếu đạt ở mức dưới 40%, đây là cũng là vấn đề cần tập trung giải ngân, là vấn đề trọng yếu cần sự vào cuộc của Chính phủ.
Nguyên nhân và giải pháp
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận một số nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do một số địa phương vẫn còn tâm lý chủ quan.
Theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định kéo dài kế hoạch năm nay giải ngân đến cuối năm sau, nhưng một số địa phương chỉ tập trung giải ngân vốn của năm trước; một số địa phương có chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 41 của Thủ tướng Chính phủ chưa phân cấp triệt để cho cấp xã và huyện mà vẫn thực hiện giao vốn từ HĐND tỉnh, do vậy công tác giải ngân, giao kế hoạch chậm hơn. Ngoài ra, một số dự án ODA cũng gặp trục trặc trong việc ký kết gia hạn hiệp định, việc ghi thu chi, xác định nợ cũng làm chậm giải ngân ODA…
Theo ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, để thúc đẩy đầu tư công, phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL và ĐNB, các bộ ngành, địa phương cần xây dựng phương án phân bổ kế hoạch chi chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua và tiến độ thực hiện các dự án.
Trong đó, bố trí đủ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại chưa thanh toán, bố trí đủ vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Ưu tiên bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; thu hồi các khoản vốn ứng trước còn lại của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025; vốn cho các nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các nghị định hướng dẫn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư. Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
" ĐNB là vùng đầu tàu kinh tế năng động của cả nước, còn ĐBSCL chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, có lợi thế về phát triển nông nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo. ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 18,7% GDP cả nước. Với lý do nêu trên, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Đông - Tây Nam bộ là tất yếu khách quan, để hỗ trợ cho các địa phương khai thác tốt nguồn lực đầu tư, phát huy những lợi thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tạo thêm cơ hội đầu tư, tăng sức cung và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và nâng cao trình độ nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước" |