Những nhánh cây mãng cầu ta sai trái bị gãy ngã vương vãi dưới đất, những thân cây đã 8 tuổi đời bị xé toạc, những cây thanh long đang bắt đầu đâm trái ủ rũ và phía bên kia những liếp hoa màu nào bí rợ, mồng tơi, rau má đang cho thu hoạch chỉ còn một màu vàng úa. Mảnh vườn trù phú ngày nào của vợ chồng chị Lương Thị Hiền bỗng chốc trở nên tan hoang, xơ xác sau cơn cuồng nộ của thiên nhiên.
Sống ở vùng đất ven biển Đất Mới, xã Phong Điền, biết cảnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thuỷ triều, gây sạt lở đất, gia đình chị Hiền thường gia cố lại đập ngăn cho nước biển xâm nhập vào vuông nuôi và phía trong đất liền, tránh ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ cũng như sản xuất. Hôm thiên tai xảy đến, theo lời kể của chị, mới đầu giờ chiều, vợ chồng chị đang cùng nhau vô đất mấy bờ bao để đắp đập thì những cơn sóng biển đánh mạnh vào thân đập, vỡ đập, kéo theo đó là nước biển dâng cao, xâm nhập vào phía trong vuông nuôi và lên tới bờ bao trồng cây ăn trái của gia đình mà trước đó cao hơn mực nước biển khoảng hơn mét. Vợ chồng chị chỉ kịp chạy thoát thân, chỉ trong 15-20 phút, ngôi nhà làm chỗ trú mưa, trú nắng và vườn cây ăn trái, hoa màu đều bị ngập. Dông, gió và những cơn mưa cứ kéo đến, vợ chồng chị chỉ biết nhìn thành quả sau bao năm cơ cực mới gầy dựng được của gia đình mà ngậm ngùi, ôm nhau khóc.
Chị Hiền tâm sự: “11 năm vào đây sinh sống mới gặp cảnh này đầu tiên. Đổ mồ hôi công sức mới cải tạo được đất mặn, trồng cây ăn trái trĩu quả, hoa màu tươi tốt như thế này mà giờ không biết còn lại gì. Nghĩ đến 2 đứa con đang học đại học càng thêm lo lắng. Bao nhiêu nguồn sống của gia đình, tiền học của con dựa vào đó, nay biết lo liệu sao đây”.
Anh Trương Văn Bồng, chồng chị Hiền, buồn bã cho biết thêm: “Nửa tháng nữa thôi là 800 gốc mãng cầu ta của tôi cho trái ít gì cũng 1 tấn, tính giá 30 ngàn đồng/kg thôi thì thiệt hại nhiêu rồi. Còn hoa màu đang thu hoạch, một ngày 200-500 ngàn đồng. Hoa màu thì mất trắng rồi đó, còn vườn cây ăn trái chưa biết thiệt hại bao nhiêu. Mấy bụi thanh long đang cho trái mà gặp cảnh này coi như mất luôn rồi, còn vớt vát được chút đỉnh là mấy gốc mãng cầu ta. Nhưng hôm bữa nước dâng tới thân cây 3-4 tấc nước, nước mặn xâm nhập kiểu này cũng không biết có sống nổi không nữa”.
Chuyện xảy ra cũng xảy ra rồi. Vợ chồng chị bảo nhau thôi thì làm lại từ đầu, nhưng ngặt nỗi vốn đâu bây giờ. Bao nhiêu vốn liếng, đồng tiền kiếm được đều vào mấy mảnh vườn, liếp rẫy, chăm lo cuộc sống hàng ngày và chi phí học hành đắt đỏ của con ở tận thành phố, tiền dành dụm đâu còn. Rồi sắp tới tiền học của con phải lo liệu làm sao. Trăm khó, ngàn khó. Vợ chồng chị mong sao được hỗ trợ đồng vốn dù ít ỏi trong lúc này để tái sản xuất.
Anh Phạm Văn Thắng (phải), ấp Đất Mới, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời đang gia cố lại đập ngăn nước biển tràn vào vùng sản xuất.
Hoàn cảnh cha con anh Phạm Văn Thắng, cùng ấp còn khó khăn hơn. 6,5 ha nhưng toàn là đất mướn. Mỗi năm sóng biển gây sạt lở một ít là anh phải lùi diện tích canh tác vào sâu một chút. Và giờ đã bỏ hơn cả chục công.
Trước khi cơn sóng biển giận dữ kéo đến, anh Thắng chủ động đắp đập mới, gia cố cho chắc chắn, tránh bị thiệt hại sản xuất. Vây mà người tính không bằng trời tính, những cơn sóng biển đánh sập một đoạn đập, nước biển xâm nhập sâu vào vùng sản xuất. Những nhánh cây mãng cầu ta ngã đổ, gốc bị ngập trong nước biển và hoa màu chẳng còn lại gì. Không chỉ vậy, 30 ngàn con cua đang chuẩn bị cho thu hoạch và 150 ngàn sú giống, 10 ngàn con cua giống mới thả đã mất trắng.
Anh Thắng nghẹn ngào chia sẻ: “Bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào đây rồi, cơn bão vừa qua coi như không còn lại gì. Tiền con giống mới thả gần 20 triệu đồng, tiền cua, hoa màu, cây ăn trái chuẩn bị thu hoạch cũng mấy chục triệu đồng ra đi hết rồi. Đứa con mấy ngày nữa là nhập học cấp 3 rồi mà tới nay chưa có tiền mua quần áo, sách vở, rồi tiền đóng học phí nữa, giờ chưa biết tính sao”.
Cảnh bà con sống bằng nghề lúa ở vùng ngọt của huyện những ngày này cũng cùng chung cảnh khổ. Việc canh tác lúa hè thu năm nay vốn gặp nhiều khó khăn giờ tới giai đoạn sắp thu hoạch lại gặp thiên tai, bão tố.
Vụ lúa hè thu hàng năm là vụ mang theo nhiều nỗi lo nhất của nông dân huyện nhà, bởi thời tiết mưa gió thất thường. Cảnh những cánh đồng lúa ngã sập hay ngập úng dường như trở nên quen thuộc. Với ông Trịnh Thanh Liêm, Bí thư Chi bộ ấp Trảng Cò, xã Khánh Lộc cũng vậy. Một năm chỉ biết trông chờ vào 2 vụ lúa nhưng hầu như vụ lúa hè thu nào cũng thua, từ năng suất, sản lượng, giá cả, thu nhập.
Vụ lúa hè thu năm nay ông Liêm tưởng đâu may mắn khi từ đầu vụ sản xuất cho đến giai đoạn lúa bắt đầu trổ phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, chi phí sản xuất cũng giảm hơn mọi năm, hy vọng vụ mùa thắng lợi. Vậy mà mưa dông do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua đã làm ngã sập 1/4 diện tích lúa đang gần thu hoạch.
Ông Liêm cho biết: “Mưa gió lớn quá. Lúa chỗ này bị sập một ít, chỗ kia một ít, cộng dồn lại cũng 5 công, coi như mất trắng luôn rồi, đâu cắt gì được. Nông dân tụi tôi khổ ơi là khổ. Cứ loay hoay hoài không biết trồng cái gì, nuôi con gì cho vững bền. Trước trồng rẫy thấy bấp bênh quá, có lúc giá rẻ mạt như cho, vậy là lại quay về với cây lúa. Nhưng trồng lúa cũng đâu yên. Không giá cả lên xuống thất thường, sâu bệnh thì thiên tai”.
Hộ nhiều đất canh tác như ông Liêm còn buồn trước cảnh lúa bị thiệt hại thì đối với những hộ ít đất ruộng càng thảm hơn. Gia tài chỉ có 4 công đất ruộng, mỗi vụ lúa lời có được bao nhiêu nhưng không trồng lúa thì biết làm gì bây giờ, thế nên bao năm qua, anh Phạm Minh Sang (ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc) vẫn gắn bó với cây lúa dù bấp bênh. Để cải thiện cuộc sống, anh trồng thêm vài liếp chuối, làm hồ.
Thường vụ lúa hè thu năng suất không cao, cộng thêm do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trà lúa của anh Sang càng thêm thiệt hại. Anh Sang cho biết thêm: “Mưa gió làm sập 15-20% diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch. Kiểu này 1 công được chừng 25 giạ là cùng. Tiền lúa giống, phân, thuốc, công cày, cắt tốn biết bao nhiêu. Tình hình này không biết thu hoạch còn gì không nữa”.
Nông dân vốn đã cơ cực, nay thiên tai càng làm cho họ lao đao hơn. Mưa vẫn không ngừng rơi, hơn lúc nào hết họ rất cần sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể./.