Trong chuyến đi này, đoàn đến khảo sát đoạn đê biển Tây đang bị sạt lở nghiêm trọng từ cống Kênh Mới đến vàm cống Đá Bạc thuộc địa phận xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, dài khoảng 4,5 km. Đặc biệt, đoạn sạt lở dài 360 mét bên trong đoạn kè của công ty Busadco thi công. Đây là đoạn đê đã bị sóng biển đánh gây sạt lở lớn trong đợt triều cường vào ngày 3/8 vừa qua.
Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Hiện, cùng lãnh đạo các Sở, Ngành kiểm tra thực tế đoạn đê biển Tây từ cống Kinh Mới – Đá Bạc.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam cho biết; trước những diễn biến ngày càng phức tập, khó lường của thời tiết. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đê biển Tây, UBND tỉnh vừa kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương thống nhất chủ trương để tỉnh Cà Mau thực hiện cơ chế xử lý khẩn cấp với các công trình sạt lở đê biển, bảo vệ tài sản của nhân dân. Trước mắt kiến nghị, Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ 73,9 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 23,3 tỷ đồng để khắc phục ngay 2.100 mét đang bị sạt lở nguy hiểm, có nguy cơ vở đê bất cứ lúc nào. Hỗ trợ 35,4 tỷ đồng để xử lý sớm trong mùa mưa bão năm 2019 đối với những đoạn sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến đê biển Tây với chiều dài 5.447 mét, những vị trí này đai rừng chỉ còn 5- 10 mét, hỗ trợ 15,2 tỷ đồng bơm đất, tạo bãi phục hồi đai rừng phòng hộ đoạn từ vàm Kinh Mới đến Đá bạc.
Về lâu dài kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành hỗ trợ 1.400 tỷ đồng để di dời dân cư vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới giai đoạn 2016 – 2020 và lộ trình đến năm 2025.
Qua đợt khảo sát lần này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ đánh giá lại thực trạng sạt lở đê biển Tây, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gở những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai ứng phó với biển đổi khí hậu.