Ứng phó, bảo vệ nguồn nước ngọt

Thứ sáu, 23 Tháng 8 2019 14:36 (GMT+7)
Theo Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (BĐKH) - Trường Đại học Cần Thơ, sông Mekong đang biến đổi khác thường. Đến nay đã gần hết tháng 8 dương lịch (tháng 7 âm lịch), nhưng dòng sông Cửu Long vẫn chưa thấy nước đỏ đục phù sa đổ về TP Cần Thơ và các tỉnh hạ lưu như mấy năm trước. ĐBSCL đồng ruộng thiếu nước, mưa nắng thất thường. Đối phó, thích ứng BĐKH, tình trạng thiếu hụt nguồn nước ngọt là giải pháp mà TP Cần Thơ và các địa phương trong vùng nỗ lực thực hiện.

Các hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh được hỗ trợ lắp đặt hệ thống dẫn nước sạch sử dụng, đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô hạn.

Các hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh được hỗ trợ lắp đặt hệ thống dẫn nước sạch sử dụng, đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô hạn.

Nỗ lực 

Ngay thời điểm này, vào những ngày nước kém, mực nước trên sông, rạch xuống thấp làm ảnh hưởng đến tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân. Ông Nguyễn Văn Quốc, ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), cho biết: “Mưa ít, nắng nóng kéo dài nhiều ngày liền, mực nước trên sông rạch ngày càng xuống thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kinh nghiệm của tôi, với tình trạng này, mùa nước nổi năm nay sẽ về ít và nạn khô hạn, thiếu nước ngọt sẽ xảy ra trong những tháng mùa khô đầu năm 2020. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa, rau màu cho mùa vụ sắp tới”.

Tác động của BĐKH, dự báo nước lũ về ít và khả năng khô hạn trong mùa khô sắp tới, TP Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản, công văn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các quận, huyện hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp tình hình thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác thủy lợi mùa khô, thủy lợi nội đồng nhằm mục đích điều tiết dòng chảy, dự trữ nước… Từ đầu năm 2019 đến nay, TP Cần Thơ đã nạo vét kênh mương với tổng khối lượng 255.284m3, đạt gần 90% so với kế hoạch; thực hiện nâng cấp, sửa chữa đê bao, đường giao thông nông thôn với 13.447m; gia cố đắp đê bao 73.227m3; gia cố sạt lở bờ sông 1.419m; dọn cỏ khai thông dòng chảy 30.120m... Tổng kinh phí thực hiện 35,467 tỉ đồng do dân đóng góp và các nguồn vốn khác. Tổng diện tích phục vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 13.000ha. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ cũng cấp 10 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; 4 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; xem xét 7 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; cấp 1 giấy phép khai thác khoáng sản và gia hạn 1 giấy phép… Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: “Việc cấp phép trên được ngành tài nguyên và môi trường tham mưu UBND thành phố xem xét, cấp phép đúng theo quy định, trong đó đặt các yếu tố khai thác không ảnh hưởng môi trường, tác động xấu đến nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tham mưu thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6-5-2015 của Chính phủ trong thời gian tới…”.

Theo Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, mùa mưa năm nay đến khá muộn trên toàn bộ lưu vực sông Mekong, làm cho tổng lượng nước vào sông Mekong suy giảm đáng kể. Song song đó, việc các đập thủy điện trên thượng nguồn tích nước đã làm trầm trọng thêm vấn đề khô hạn ở hạ nguồn. PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại Học Cần Thơ, cho biết: “Từ thực tế đó, ĐBSCL đang rơi vào thế bị động cả trước những hiện tượng thời tiết cực đoan lẫn những tác động mạnh mẽ của việc tích nước ở thượng nguồn. Điều này khiến cho việc đưa ra các giải pháp ứng phó gặp rất nhiều khó khăn. Ngay từ bây giờ, TP Cần Thơ cũng như các tỉnh hạ nguồn sông Mekong cần có động thái ứng phó, thích nghi trong sản xuất và sinh họat…”.

Nguồn nước ngọt trên sông, rạch ít phù sa bồi đắp, gây sạt lở bờ sông ngày càng cao. Trong ảnh: Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh vào cuối tháng 7-2019.

Nguồn nước ngọt trên sông, rạch ít phù sa bồi đắp, gây sạt lở bờ sông ngày càng cao. Trong ảnh: Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh vào cuối tháng 7-2019.

Giải pháp lâu dài

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại Học Cần Thơ, khuyến cáo: “Trước tình hình thiếu hụt nguồn nước như hiện nay, các đơn vị chuyên môn và địa phương trong vùng cần nghiên cứu một cách chi tiết các kịch bản nhu cầu nước ngọt của các tiểu vùng ở ĐBSCL cũng như các kịch bản nguồn nước ngọt hiện tại và tương lai. Từ đó có kế hoạch ứng phó, trữ nước cho sản xuất, sinh hoạt. Thực tế cho thấy thời gian qua cả nhu cầu nước và nguồn nước ngọt tại vùng ĐBSCL biến động rất lớn. Trong khi nhu cầu nước gia tăng lớn do phát triển kinh tế thì nguồn nước bị suy giảm do BĐKH và tích nước thượng nguồn, nhất là trong những năm khô hạn. Do đó, nếu chúng ta kiểm soát được nhu cầu sử dụng nước ngọt thông qua các biện pháp tiết kiệm nước hay nói cách khác sử dụng hiệu quả nguồn nước và chuyển đổi một số vùng canh tác nước ngọt sang nước lợ, mặn. Đồng thời, gia tăng tích lũy nước lũ, nước mưa của mùa trước thì chúng ta có thể giảm được các rủi ro thiếu nước mùa sau, mùa khô kiệt...


TP Cần Thơ đã có nhiều động thái trong việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước ổn định, tránh lãng phí và đạt hiệu quả cao. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ phối hợp với các sở ngành chức năng, các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án, công trình quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra” được thành phố triển khai thực hiện và đã phát huy hiệu quả. Dự án là một trong các bước của kế hoạch ứng phó với BĐKH của thành phố, giúp tăng cường khả năng chống chịu và giảm nhẹ thiệt hại do nước biển dâng; củng cố và phát triển hệ thống quan trắc nước mặt của thành phố, góp phần chuyển tải thông tin về độ mặn xâm nhập trên địa bàn đến ngành chức năng, người sử dụng.

Dự án “Thích ứng BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững - Thí điểm nghiên cứu hệ thống và môi trường nước TP Cần Thơ” cũng mang lại hiệu quả cao trong những năm qua. Dự án đã khảo sát, tìm hiểu hiện trạng hệ thống nước, quy hoạch phát triển đô thị và những tác động BĐKH lên môi trường nước của thành phố; thiết lập, tập hợp các phương án chiến lược nhằm phát triển bền vững hệ thống môi trường nước có tính thích nghi với BĐKH. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình nghiên cứu chất lượng nước mưa được thực hiện thu gom quan trắc xác định chất lượng nước, hệ thống thu gom và phương pháp xử lý... Qua đó, dự án xác định nước mưa là nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn cho sử dụng, sinh hoạt, sản xuất trong điều kiện thiếu nguồn nước mặt và suy kiệt nguồn nước ngầm dưới tác động của BĐKH. Thành phố cũng có nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng sử dụng và dự trữ...

Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng được TP Cần Thơ triển khai thực hiện. Trong đó, thành phố hoàn thiện hệ thống thủy lợi tại các vùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh; các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt. Qua đó tập trung xây dựng các hạng mục công trình cần thiết, cấp bách để bảo vệ an toàn 73.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất ổn định và giảm thiểu thiệt hại do lũ, tăng cường trữ nước cho mùa khô, phòng chống hạn mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kết hợp phát triển giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo vận hành linh hoạt theo từng cấp độ, ổn định sản xuất theo phân vùng quy hoạch thủy lợi...

Ông Nguyễn Chí Kiên cho biết thêm: “Từ nay đến năm 2030, TP Cần Thơ tiếp tục triển khai hàng loạt dự án thích ứng BĐKH, xung quanh các hoạt động như: tăng cường năng lực và chủ động ứng phó BĐKH; chương trình sinh kế nhà ở và sản xuất xanh, giảm thiểu tác hại môi trường do BĐKH gây ra... Dự toán kinh phí thực hiện các dự án này từ nguồn ngân sách địa phương, Trung ương và tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức quốc tế. Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị phổ biến kế hoạch trên và phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng, các địa phương triển khai dự án ứng phó, tìm đối tác cùng hợp tác thực hiện…”.

 

Bài, ảnh: HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội