Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Thạch Sơn (thứ 2 từ phải sang, xã Loan Mỹ- Tam Bình) có điều kiện cho cháu gái đi xuất khẩu lao động.
Sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả
Thông qua Hội Nông dân TP Vĩnh Long, ông Lê Văn Thái (xã Tân Hòa) 2 lần được NHCSXH chi nhánh Vĩnh Long cho vay vốn 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để làm kinh tế vườn.
Ngoài trồng cam, ông Thái còn trồng dừa dứa kết hợp với nuôi cá. Nhờ vậy mà gia đình ông có thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo.
Là hộ phụ nữ nghèo, năm 2016, chị Nguyễn Thanh Loan (ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước) được NHCSXH huyện Long Hồ hỗ trợ vay vốn thoát nghèo 20 triệu đồng thông qua Hội LHPN xã Bình Hòa Phước.
Với 2 con dê mua được, chị tham gia tổ hợp tác nuôi dê của xã và từng bước nâng số lượng dê. “Từ ngày vô tổ hợp tác, tui được hỗ trợ kỹ thuật để nuôi dê rồi đảm bảo đầu ra, giá cả nữa”- chị Loan cho biết. Tận dụng thời gian nông nhàn để nuôi dê, gia đình chị Loan có thêm 12 triệu đồng/3 con dê/năm, hiện chị đã thoát nghèo.
Cũng nhờ Hội LHPN xã Trường An, mà chị Nguyễn Thị Thu Hiền- chủ cơ sở may Huỳnh Thành Hiếu, được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH. Chị mở rộng quy mô sản xuất cơ sở may gia công lên 20 máy may, với sản lượng may bình quân hiện đạt từ 4.500- 5.000 sản phẩm/tháng.
Chị Hiền phấn khởi: “Nhờ nguồn vốn vay mà tôi phát triển thêm máy may, giúp cho 15 chị có việc làm, với thu nhập ổn định từ 4- 5 triệu đồng tháng”.
Để hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, từ năm 2017 đến đầu năm 2019, Vĩnh Long ủy thác cho NHCSXH tỉnh trên 34 tỷ đồng giải ngân cho gần 500 trường hợp khó khăn về kinh tế gia đình, được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chính sách đặc thù riêng của tỉnh về hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động bước đầu phát huy hiệu quả. Riêng trong năm 2018, ngân sách tỉnh ủy thác qua NHCSXH giải quyết cho 348 lao động vay vốn với trên 28,6 tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho lao động.
Bà Nguyễn Thị Mười (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) được hỗ trợ từ nguồn vốn vay này mà bà có điều kiện cho con đi xuất khẩu lao động. “Con sang Nhật làm có gửi tiền về giúp tui trang trải.
Tui sẽ sớm hoàn tiền vay để Nhà nước còn giúp những hộ khó khăn khác được đi xuất khẩu nữa chứ”- bà Mười cho biết.
Nâng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm
Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Trần Hùng cho biết, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, tạo điều kiện cho hộ vay chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, sản xuất kinh doanh.
Thông qua chương trình, các hộ vay vốn mạnh dạn đầu tư vào các dự án trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, qua đó, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chương trình cũng góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động.
Thời gian tới, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, HĐND, UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH ưu tiên tập trung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm; ưu tiên cho vay đối với các lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, cơ sở dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật.
Bên cạnh đó, ngành phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền về hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm để người dân tiếp cận, nắm rõ mục đích, sử dụng vốn vay hiệu quả; xây dựng dự án hướng vào các ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nhiều lao động.
Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Trần Hùng cho biết, giai đoạn 2014- 2018, chi nhánh giải ngân 168,26 tỷ đồng với 1.599 lượt hộ vay. Đã có 9.550 lao động được tạo việc làm qua chương trình cho vay; trong đó có 4.875 lao động nữ, 30 lao động là người khuyết tật, 309 lao động là người dân tộc thiểu số. |