Dự án cải tạo nâng cấp hồ Xáng Thổi góp phần điều tiết nước, khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường cho nội ô quận Ninh Kiều. Ảnh: Thiện Khiêm
Hơn nữa các áp lực này không những từ nội tại bên trong thành phố mà còn từ bên ngoài, như sự gia tăng giá cả vật tư đầu vào hay giảm giá sản phẩm đầu ra, hay lượng nước suy giảm hay ô nhiễm không khí, nguồn nước... Đặc biệt là TP Cần Thơ, là trung tâm của ĐBSCL, chịu tác áp lực rất lớn từ các biến động của các tỉnh xung quanh về sản lượng nông nghiệp (nguồn cung ứng nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu của thành phố), mà nông nghiệp chịu tác động rất lớn bởi ngập lụt và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, lún sụt đất... Các đô thị cũng thường phải đối mặt với các cú sốc có thể xẩy ra bất kỳ lúc nào như xạt lở bờ sông, bùng phát dịch bệnh, sự cố ô nhiễm môi trường nước, bão lụt, cháy nổ...
Do đó, để thành phố có được một sức đề kháng tốt trước những cú sốc và áp lực đó, thành phố cần củng cố khả năng chống chịu trước, trong hay phục hồi được sau khi các áp lực và cú sốc đó diễn ra. Giống như chúng ta rèn luyện để cơ thể và tinh thần để có thể vược qua được bệnh tật, hay những rủi ro do môi trường sống để có được sức đề kháng tốt, giảm được tác động của bệnh tật và phục hồi nhanh nếu bị bệnh.
Là thành phố đang phát triển nhanh chóng, luôn phải đối mặt với các áp lực và cú sốc như trên, TP Cần Thơ cần phải đánh giá được khả năng chống chịu của mình và đề ra kế hoạch hành động để nâng cao khả năng đó để có thể chủ động ứng phó với các rủi ro, phát triển bền vừng hơn.
Kế hoạch nâng cao khả năng chống chịu (KNCC) của TP Cần Thơ nếu thực hiện thành công sẽ rút ra được nhiều bài học quý giá cho các đô thị ở ĐBSCL. Việc xây dựng kế hoạch nâng cao KNCC của thành phố được hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức ISET và tài chính của quỹ Rockefeller Foundation của Hoa Kỳ từ 2016 đến nay. Sau giai đoạn xây dựng kế hoạch, chúng tôi hy vọng sẽ từng bước triển khai các hành động cụ thể của kế hoạch. Kế hoạch nâng cao KNCC của TP Cần Thơ vừa công bố xoay quanh 4 lĩnh vực cùng một số hành động ngắn hạn và dài hạn. Đó là: Chiến lược, chính sách và cơ chế phối hợp; hạ tầng và môi trường; kinh tế - xã hội; sức khỏe và phúc lợi.
Một góc bờ kè bến Ninh Kiều. Ảnh: Thiện Khiêm
Như chúng ta đã biết, các đô thị của Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ tuy có các chiến lược, tầm nhìn hay quy hoạch phát triển dài và trung hạn, tuy nhiên các chiến lược hay quy hoạch này thường thiếu các đánh giá một cách sâu sát các rủi ro từ các cú sốc hay áp lực có thể xảy ra đối với thành phố, để từ đó có được hướng đi, chính sách hay quy hoạch hướng tới nâng cao KNCC của thành phố. Ngoài ra, khi tiếp cận và tiến hành các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của thành phố thì khâu khó khăn nhất là cơ chế phối hợp giữa cách ngành và đặc biệt là thiếu sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân. Do đó nội dung “Chiến lược, chính sách và cơ chế phối hợp” rất quan trọng nhằm đảm bảo cho việc xây dựng KNCC của thành phố được đồng bộ và tiến hành một cách hài hòa, thuận lợi.
Về hạ tầng và môi trường, theo cách tiếp cận truyền thống thì hai yếu tố này thường tách biệt. Các cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố được xây dựng không quan tâm nhiều đến tác động của các hạ tầng này đến môi trường. Ví dụ xây dựng đường sá có thể chặn dòng chảy thoát lũ, hay là san lấp kênh rạch, hoặc không bố trí các khu vực điều hòa, hay xử lý nước nên làm ô nhiễm môi trường. Kế hoạch nâng cao KNCC đề xuất hướng cơ sở hạ tầng xanh nhằm hướng tới các giải pháp hạ tầng đa chức năng, vừa có thể phục vụ mục tiêu hạ tầng (như giao thông, kè ngăn lũ, hồ nước) vừa có mục tiêu giảm thiểu ngập lụt (điều hòa dòng chảy, dẫn dòng thoát ngập) hay giảm thiểu tác động môi trường (cây xanh nâng cao chất lượng không khí, nước chảy tràn, tái tạo đa dạng sinh học).
Về kinh tế xã hội, kế hoạch nâng cao KNCC đã tiếp cận theo hướng đánh giá các rủi ro do cú sốc và áp lực lên các chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực của TP Cần Thơ như nông thủy sản, du lịch sinh thái. Qua đó xác định được các mắt xích trong chuỗi giá trị dễ bị tổn thương để đưa ra các hành động nâng cao KNCC của từng mắt xích đó. Từ đó làm cho cả chuỗi giá trị sẽ có khả năng chịu đựng và phục hồi nhanh trước các cú sốc và áp lực nội tại và bên ngoài. Từ đó thành phố sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế phồn thịnh hơn.
Đối với sức khỏe và phúc lợi. Kế hoạch nâng cao KNCC đã tập trung vào các nhóm cư dân dễ bị tổn thương nhất với các cú sốc và áp lực nói trên. Họ là những người dân sống ven đô, đất đai canh tác thu hẹp do quá trình đô thị hóa, phải chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang tìm sinh kế ở đô thị nhưng lại không có kỹ năng, nghề nghiệp phù hợp. Nếu giải quyết được điều kiện sống (sức khỏe và nhà ở) cũng như ổn định và phát triển sinh kế của các nhóm cư dân này thì thành phố sẽ phát triển một cách đồng bộ, không ai bị bỏ lại phía sau.
Văn phòng 100 RC Cần Thơ có kế hoạch nâng cao KNCC của TP Cần Thơ, thông qua sự chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ban ngành và các cơ quan tài trợ trong và ngoài nước xây dựng các đề án chi tiết, qua đó tìm các nguồn vốn cũng như hỗ trợ kỹ thuật để tiến hành các hoạt động đã đề ra trong kế hoạch.
TP Cần Thơ đã thấy được tầm quan trọng của 4 lĩnh vực nêu trên nên đã và đang chủ động đầu tư, thông qua các nguồn ngân sách tương ứng, đồng thời cũng sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ, của các tổ chức phi chính phủ, cơ quan tài trợ trong và ngoài nước để các hành động được nêu trong Kế hoạch nâng cao KNCC của thành phố được thực thi. Ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch, TP Cần Thơ chỉ đạo quận Ninh Kiều đầu tư 1 công trình thí điểm về hạ tầng xanh (công viên hạ tầng xanh ở khu dân cư Thới Nhựt).
Để thực hiện mục tiêu “TP Cần Thơ trở thành thành phố ven sông xanh, bền vững, năng động, hội nhập, nơi người dân được sống an toàn, thịnh vượng và không ai bị bỏ lại phía sau” trong tương lai. Tôi xin trích lời của ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: “Mức độ hợp tác toàn diện giữa các bên thực sự là một điểm nhấn quan trọng và nổi bật của quá trình xây dựng Kế hoạch này. Qua đây, chúng tôi nhận ra rằng, không một tổ chức hay đối tác nào có thể giải quyết thay các vấn đề mà thành phố đang gặp phải. Thay vào đó, việc xây dựng và tăng cường khả năng chống chịu cần sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân thành phố”.
Như vậy sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia, trí thức, cán bộ quản lý, lãnh đạo của TP Cần Thơ cần phải là lực lượng nòng cốt và chủ động trong việc triển khai kế hoạch này. Từ đó các sự hỗ trợ từ bên ngoài mới đạt được hiệu quả cao nhất và bền vững lâu dài.
Được sự phân công của lãnh đạo TP Cần Thơ, Văn phòng 100 RC Cần Thơ sẽ là đơn vị đầu mối để liên kết các bên liên quan để lập các dự án chi tiết, mời các đối tác hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư có liên quan để có thể từng bước thực hiện thành công các hành động cụ thể của 4 lĩnh vực trọng tâm đã nêu trong Kế hoạch nâng cao KNCC của thành phố.
PGS - TS NGUYỄN HIẾU TRUNG (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, Chánh Văn phòng 100 RC Cần Thơ)