Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (gọi tắt là BQLDA), dự kiến giai đoạn 2019 - 2020, TP sẽ thực hiện 7 hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ cross-wave (giai đoạn 1) chống ngập cục bộ cho 5 quận nội thành với tổng vốn đầu tư 475 tỉ đồng.
Hồ ngầm vẫn lăn tăn vị trí
Nói về hồ điều tiết ngầm, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc BQLDA, cho rằng các nước trên thế giới đã làm nhiều, riêng Việt Nam thì khá mới. Ưu điểm của hồ này ngoài giải quyết ngập cục bộ khi lượng mưa tăng cao còn có khả năng tự thấm, tiết kiệm thời gian thi công, không phải giải phóng mặt bằng, thời gian sử dụng dài, chịu được tải trọng xe lên đến 25 tấn.
Theo ông Dũng, kết quả đánh giá hồ thí điểm hồ điều tiết ngầm trước Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức cũng được nhiều sở, ngành đồng tình, 5 địa phương có vị trí 7 hồ điều tiết dự kiến xây dựng cũng tán đồng việc xây hồ. Do đó, tháng 8-2018, BQLDA đã có văn bản kiến nghị UBND TP chấp thuận dự án xây dựng hồ điều tiết ngầm công nghệ cross-wave (giai đoạn 1) thực hiện năm 2019 - 2020, đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.
Nếu được UBND và HĐND TP HCM thông qua, 7 vị trí hồ điều tiết với tổng vốn đầu tư khoảng 475 tỉ đồng (quy mô mỗi hồ từ 1.500 - 20.000 m3) sẽ được xây dựng tại 5 vị trí, giải quyết bài toán ngập cục bộ một số cụm đường cho 5 quận nội thành gồm Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 10. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn trong giai đoạn đề xuất và chưa thống nhất vị trí đặt hồ của một số địa phương.
Không đồng ý vị trí đặt hồ tại Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình đã có ít nhất 2 văn bản gửi BQLDA. Đại diện quận này lý giải hiện nay Sở GTVT TP HCM đang triển khai nhiều dự án giao thông giảm kẹt xe cho sân bay, ngoài ra còn có dự án tuyến metro số 5, tuyến 4b-1 đi qua Công viên Hoàng Văn Thụ, nếu tiếp tục thực hiện hồ điều tiết ngầm phải đốn hạ nhiều cây xanh gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị, do đó quận này đề xuất đổi vị trí hồ sang sân vận động Quân khu 7. "Thực ra, Công viên Hoàng Văn Thụ có sẵn hồ điều tiết diện tích khá lớn, trước đây vẫn làm nhiệm vụ điều tiết, chỉ cần mở van là hỗ trợ thu nước mưa thôi, không cần phải làm thêm một hồ ngầm nữa" - một lãnh đạo quận Tân Bình cho hay.
Tương tự, quận Bình Thạnh cũng đề xuất đổi vị trí hồ điều tiết trên đường Điện Biên Phủ do vị trí dự kiến đặt hồ không bị ngập và có một số công trình sắp triển khai ảnh hưởng đến vị trí thiết kế.
Nếu các dự án hồ điều tiết về đích đúng tiến độ đề ra thì tình trạng ngập không lối thoát như thế này sẽ giảm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hồ Khánh Hội, Bàu Cát, Gò Dưa: Chờ thủ tục
Trước đề xuất xây dựng 7 hồ điều tiết ngầm nêu trên, từ năm 2015, Trung tâm Chống ngập TP (vừa sáp nhập vào BQLDA) đã đề xuất xây dựng nhiều dự án hồ điều tiết quy mô lớn, trong đó đáng kể nhất là hồ điều tiết Gò Dưa (quận Thủ Đức) với diện tích lên đến 24 ha, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, giải quyết ngập khu vực các phường Tam Phú, Tam Bình, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh...). Kế đến là hồ điều tiết Bàu Cát (quận Tân Bình) có quy mô 0,4 ha tại Công viên Bàu Cát, tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng và hồ điều tiết Khánh Hội (quận 4) có quy mô 4,8 ha, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỉ đồng.
Cả 3 dự án hồ điều tiết trên dự kiến thực hiện giai đoạn 2016 - 2020. Thế nhưng qua nhiều năm triển khai, các dự án vẫn còn nằm trên giấy.
Cụ thể, tuy là dự án đầu tiên có đơn vị đăng ký thực hiện lập đề xuất đầu tư nhưng qua nhiều năm, hồ điều tiết Khánh Hội vẫn… lửng lơ. Lý giải nguyên nhân, đại diện Công ty Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) - đơn vị được UBND TP chấp thuận chủ trương thực hiện lập đề xuất dự án xây dựng hồ điều tiết Khánh Hội, cho hay sau khi có chủ trương từ TP, HFIC đã lập đề xuất đầu tư dự án đúng tiến độ đề ra, việc xây hồ theo hình thức hợp tác công - tư PPP (hợp đồng BT). "Dù mọi thứ suôn sẻ nhưng đến khi bàn đến quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thì ách lại do không có quỹ đất. Sau đó, dự án này cùng hàng loạt dự án khác của TP (dạng hợp đồng BT) phải tạm dừng chờ Chính phủ hướng dẫn, xác định tài sản chi trả cho nhà đầu tư. Vì vậy, sau này nếu chủ trương từ Chính phủ, hài hòa lợi ích các bên, chắc chắn HFIC sẽ khởi động lại" - vị đại diện HFIC thông tin.
Tương tự, nguyên nhân "giậm chân tại chỗ" của 2 hồ điều tiết Gò Dưa và Bàu Cát cũng được BQLDA khẳng định phải chờ trung ương hướng dẫn về sử dụng tài sản công thanh toán cho chủ đầu tư. Cả 2 dự án này đều được TP chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Cần khai thác công năng các hồ sẵn có
Theo các chuyên gia chống ngập, TP HCM vốn có nhiều hồ chứa nước dung tích khá lớn trong các công viên như hồ ở công viên Lê Thị Riêng, Kỳ Hòa (quận 10), hồ Khu Du lịch Đầm Sen (quận 11), hồ Văn Thánh (quận Bình Thạnh)... Nếu tận dụng được hệ thống các hồ này thì việc chống ngập sẽ phát huy hiệu quả.
Thế nhưng, thực tế lại cho thấy hầu hết các hồ này chỉ có tác dụng tạo cảnh quan, chưa kết nối với hệ thống cống bên ngoài để thu nước mưa chống ngập cho khu vực xung quanh. Do đó, TP HCM phải có mô hình quản lý hồ công cộng để khai thác tối đa chức năng của các hồ, tránh tình trạng đơn vị quản lý hồ vì ngại nước hồ bẩn mà không cho đấu nối van điều tiết đưa nước mưa bên ngoài vào khi trời mưa lớn.