Theo đó, nam bệnh nhân M.Q. (SN 1960; ngụ tỉnh Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng biểu hiện cấp cứu với suy hô hấp, nhiễm trùng nhiễm độc, cổ bạnh ra do tràn khí dưới da, với chẩn đoán áp xe cổ - áp xe trung thất.
Kết quả chụp CT chẩn đoán áp xe cổ-áp xe trung thất
Kết quả CT scaner ngực có cản quang: Tổn thương tụ dịch, khí vùng cổ đi từ xương móng, lan đến thất trước, khả năng áp xe vùng cổ; tràn dịch màng tim; tổn thương phế nang kèm xơ hóa đỉnh phổi (P), khả năng viêm; tràn dịch màng phổi hai bên. Kết quả siêu âm tràn dịch màng phổi 2 bên lượng ít, chẩn đoán áp xe cổ lan xuống trung thất, tràn dịch màng tim tiên lượng rất nặng.
Xác định đây là một cấp cứu ngoại khoa nên các bác sĩ chuyên khoa trong ê-kíp thực hiện đã quyết định phẫu thuật cấp cứu làm sạch áp xe cổ qua đường mở ngực (T), đồng thời đặt 2 ống dẫn lưu màng phổi (T) và 2 ống dẫn lưu màng phổi (P) theo dõi, chăm sóc bơm rửa khoang màng phổi liên tục.
Kết quả nuôi cấy vi khuẩn trên dịch mủ ghi nhận bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Acinetobacter Baumannii – đây là chủng vi khuẩn đa kháng thuốc nên mặc dù được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, bệnh nhân vẫn rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng do đến muộn, khả năng cứu chữa thành công thấp, dự kiến thời gian hồi sức kéo dài, bệnh nhân phù toàn thân, đạm máu giảm liên tục, sốt cao do tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nghiêm trọng, các bác sĩ đã hội chẩn thay đổi kháng sinh đặc trị phù hợp đồng thời kết hợp thuốc an thần, giãn cơ...
Sau 11 ngày được điều trị và chăm sóc tích cực tại bệnh viện, bệnh nhân đã tỉnh táo, ngưng thở máy, da niêm hồng, dấu hiệu sinh tồn ổn định, được chuyển đến phân Khoa Ngoại lồng ngực – Mạch máu theo dõi, điều trị và chăm sóc.
Bệnh nhân Q. đang được bác sĩ chăm sóc sau phẫu thuật
Các bác sĩ, cho biết đây là bệnh rất nặng kết hợp bệnh nội khoa tim mạch, mặc dù có những tiến bộ về chẩn đoán, điều trị phẫu thuật, thuốc kháng sinh... nhưng áp xe trung thất tỷ lệ tử vong còn rất cao, do nhiễm trùng lan rộng, biến chứng này rất dễ làm chết người nếu không được mổ cấp cứu nhanh chóng, kịp thời.
Áp xe trung thất có thể phòng tránh được nếu bệnh nhân đến khám sớm ngay từ lúc xảy ra các tai biến. Trong trường hợp đã có dấu hiệu biến chứng áp xe trung thất thì cần chuyển người bệnh đến các trung tâm y tế lớn để xử trí phẫu thuật. Chỉ có như vậy mới có thể giảm tỷ lệ áp xe trung thất do thủng thực quản và giảm tử vong do biến chứng chết người này.