Trong kết luận thanh tra vừa công bố, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã làm rõ hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần VN Pharma (gọi tắt VN Pharma). Theo đó, hoạt động chính của doanh nghiệp (DN) này là bán ra thị trường tự do các mặt hàng thuốc (khẩu khẩu, sản xuất trong nước), nhập nguyên liệu sản xuất thuốc bán cho các công ty dược phẩm để sản xuất và bán thuốc cho các cơ sở y tế thông qua đấu thầu.
Tổng doanh thu của VN Pharma từ 2011-2014 là hơn 2.117 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu bán thuốc và nguyên liệu ra thị trường tự do là hơn 1.609 tỉ đồng, doanh thu bán thuốc thông qua đấu thầu là là hơn 508 tỉ đồng.
Về chênh lệch đơn giá (giá bán - giá mua), cơ quan thanh tra cho biết trong tổng số 46 thuốc nhập khẩu, công ty bán cho các cơ sở y tế công lập thì có 15 thuốc chênh lệch giá từ 50-127,8%; có 25 thuốc chênh lệch giá từ 0,74% đến dưới 50% và 6 thuốc chênh lệch âm từ 3,2% đến 30%.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma tại phiên tòa xét xử VN Pharma buôn bán thuốc giả- ảnh: Phạm Dũng
Theo TTCP, trong tổng số 148 thuốc sản xuất trong nước mà VN Pharma bán cho các cơ sở y tế công lập thì có 55 thuốc chênh lệch giá từ 50% đến 375%, có 75 thuốc chênh lệch giá từ 1,47% đến dưới 50% và có 18 thuốc chênh lệch âm từ 3,13 đến 93,33%.
Như vậy, trong số 194 mặt hàng thuốc bán cho các cơ sở y tế thông qua đấu thầu thì có 147 mặt hàng có lãi và 24 mặt hàng bị lỗ.
Việc trúng thấu cấp thuốc H-Capita, năm 2014, VN Pharma tham gia đấu thầu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, trong danh mục thuốc trúng thầu có 15.000 viên thuốc H-Capita 500mg của Công ty Helix, đơn giá 37.000 đồng/viên, tổng giá trị 555 triệu đồng.
Cũng trong năm 2014, Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (VN Pharma là chủ sở hữu) cũng trúng thầu 46 mặt hàng thuốc tại sở Y tế TP HCM, trong đó có thuốc H-Capita. Doanh nghiệp này đã ký hợp đồng cung cấp thuốc H-Capita cho các bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện Trưng Vương...
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện, trong cùng một loại thuốc VN Pharma bán cho các cơ sở y tế, có nơi bán giá cao, có nơi bán giá thấp. Cụ thể, thuốc Drolenic 70 giá trúng thầu tại TP HCM là 6.900 đồng/viên nhưng tại Kiên Giang lại có giá 18.000 đồng/viên. Thuốc Augtace 500 giá trúng thầu tại An Giang là 2.260 đồng/viên, trong khí tại Tiền Giang lên tới 9.500 đồng/viên.
Trong kết luận TTCP cho biết, kết quả kiểm tra các gói thầu cho thấy Công ty VN Pharma trúng thầu thuốc tại 6 địa phương (An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và TP HCM) và 4 bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Trung ương Huế), với tổng giá trị trúng thầu là hơn 699 tỉ đồng, chiếm 93,1% giá trị trúng thầu của Công ty VN Pharma trên toàn quốc.
Số lượng các mặt hàng thuốc Công ty VN Pharma trúng thầu tại các địa phương và bệnh viện được kiểm tra chiếm tỷ lệ 20% đến 25% tổng số các mặt hàng thuốc Công ty tham dự thầu. Đơn giá các mặt hàng thuốc Công ty trúng thầu là đơn giá thấp nhất.
Nhiều mặt hàng thuốc trúng thầu nhưng một số cơ sở y tế không mua hoặc mua không đủ số lượng như hợp động đã ký. TTCP chưa phát hiện thấy có sự ưu tiên nào để Công ty VN Pharma được trúng các gói thầu.