Kiểm tra cống ngăn mặn ở vùng nuôi thủy sản ven biển ĐBSCL. Ảnh: CTV
Qua khảo sát, kiểm tra các công trình đê, đập vùng lũ đầu nguồn sông Cửu Long, hệ thống cống đóng mở ngăn mặn vùng ven biển ĐBSCL…, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi cùng với các cán bộ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và Chi cục Thủy lợi các tỉnh trong vùng nhận định: Năm nay lũ nhỏ, báo động nguồn nước sản xuất nông nghiệp và nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho vùng ven biển sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngay thời điểm này, các tỉnh giáp ranh trong vùng cần có sự phối hợp đồng bộ, chủ động trong điều hành các công trình thủy lợi hiện có, kịp thời ứng phó nước thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường; đồng thời, xây dựng phương án ứng phó tình hình xâm nhập mặn đầu mùa khô, dự báo mùa khô năm 2020 có nhiều khả năng đến sớm hơn cùng kỳ khoảng 1 tháng.
Theo các đại biểu dự hội thảo, hàng chục năm qua, đa số các công trình thủy lợi ở khu vực Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Quản lộ Phụng Hiệp và vùng ven biển đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp thâm canh, tăng vụ. Vùng mặn, lợ, tranh chấp mặn - ngọt được đầu tư nhiều công trình hạ tầng nông nghiệp đồng bộ, khép kín, đã phần nào giải quyết khó khăn trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong tình hình mới, các địa phương đang đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi theo các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường nên cần xem xét đầu tư nâng cấp, bổ sung một số công trình đang vận hành để hoạt động tốt hơn; đầu tư những công trình mới mang tính cấp thiết để phục vụ sản xuất kịp thời cho người dân, ứng phó khô hạn, ngăn mặn; sớm thành lập một trung tâm hoặc mô hình công ty quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi liên vùng để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt hơn…