Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (áo xanh, hàng đầu) tại công trình cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận ngày 27-8. Ảnh: M.Thành.
NỖ LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM
Từ thời điểm ký kết biên bản bàn giao nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), UBND tỉnh Tiền Giang cùng các sở, ngành và chính quyền các cấp đã nỗ lực để triển khai các công việc. Tỉnh xác định Dự án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Do đó, trước khi tiếp nhận Dự án, Tiền Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo Dự án và các tổ chuyên môn; định kỳ hằng tuần đều tổ chức họp các tổ để kiểm tra tiến độ thực hiện; đồng thời, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Song song đó, UBND tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Doanh nghiệp dự án - DNDA) để giải quyết các kiến nghị, vướng mắc liên quan.
Tiếp đến, UBND tỉnh và DNDA cùng Liên doanh các nhà đầu tư đã ký kết phụ lục hợp đồng Dự án giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT. Đây là một bước xác nhận trách nhiệm của các bên trong việc tháo gỡ các “nút thắt” của Dự án, xác định cụ thể trách nhiệm của các bên trong thời gian tiếp theo.
“Điểm nhấn” của tiến độ Dự án là việc lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cùng các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao mặt bằng sạch cho DNDA, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng thường xuyên đi thực tế công trình, xuống các địa phương để cùng vận động người dân đồng thuận với việc thu hồi đất cho Dự án.
Từ những nỗ lực trên, đến ngày 20-9, Dự án chỉ còn 1/3.292 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Đến ngày 9-9, đối với tuyến chính, tỉnh đã bàn giao 50,77/51,1 km (đạt 99,35%), còn 330 m tuyến chính tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè) chưa bàn giao mặt bằng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, ngày 10-9, địa phương đã tiến hành bàn giao mặt bằng tại nút giao An Thái Trung. Hiện còn 9 căn nhà đang tháo dỡ. Dự kiến đến hết ngày 22-9, các hộ dân sẽ hoàn thành công tác tháo dỡ nhà. Công tác di dời hệ thống viễn thông, điện trung hạ thế, cao thế đã cơ bản hoàn thành.
Bên cạnh đó, để đồng hành cùng nhà đầu tư trong thời gian chờ nguồn kinh phí Trung ương phân bổ, dù điều kiện còn khó khăn, nhưng Tiền Giang đã tạm ứng hơn 287 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để chi cho công tác giải tỏa, đền bù.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cấp quyết định đầu tư, phê duyệt lại tổng mức đầu tư Dự án trên cơ sở điều chỉnh và phê duyệt bổ sung về các thiết kế thay đổi. Về mặt chủ trương thuộc thẩm quyền của tỉnh phê duyệt Dự án, nhưng thẩm định về mặt chuyên môn phải do Bộ GTVT, Bộ Xây dựng thẩm định. Vì thế, đây là công việc cần phải thận trọng khi xem xét phê duyệt.
KHÔNG ĐỂ “LỖI HẸN”
Thực tế cho thấy, Tiền Giang đã quyết liệt và trách nhiệm trong điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án; đây cũng là “điểm nhấn” thứ hai trong nỗ lực của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ Dự án. Bởi việc phê duyệt lại tổng mức đầu tư góp phần giúp Tiền Giang và DNDA đi đến bước ký kết phụ lục hợp đồng Dự án tiếp theo. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để DNDA tiếp tục triển khai.
Đây cũng là ràng buộc trách nhiệm và hợp tác giữa 2 bên làm cơ sở để các ngân hàng thẩm định, giải ngân vốn tín dụng… Phụ lục hợp đồng vừa ký kết xác định tổng mức đầu tư Dự án là 12.668 tỷ đồng. Phụ lục hợp đồng được ký kết gồm các nội dung chính như: Thay đổi thành viên liên doanh nhà đầu tư; thay đổi thông tin về quy mô giải pháp thiết kế, tổng mức đầu tư và phương án tài chính…
Đồng chí Phạm Anh Tuấn cho rằng, đến thời điểm này khung pháp lý của Dự án cơ bản đã hoàn thành, đây là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh Tiền Giang và DNDA. Tiền Giang xác định việc ký kết là sự khởi đầu để thực hiện những nội dung cam kết lần này. Thời gian còn lại để thực hiện Dự án còn rất ngắn, với khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi tỉnh và DNDA phải nỗ lực nhiều hơn. Với thẩm quyền được giao, Tiền Giang sẽ cố gắng, nỗ lực cùng nhà đầu tư hoàn thành tốt các công việc, để Dự án hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Trước đó, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Tiền Giang với các bộ, ngành Trung ương, DNDA, các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn liên quan đến Dự án, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, đây là dự án quan trọng, cấp bách, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt và tỉnh Tiền Giang rất trách nhiệm trong công tác GPMB cùng một số công việc khác. Những vướng mắc trong việc cho vay là không lớn, nếu có sự thống nhất bàn bạc giữa nhà đầu tư và các ngân hàng. Đồng chí Đào Minh Tú khẳng định các ngân hàng thương mại không thiếu vốn. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng thương mại để cho doanh nghiệp vay, nhưng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Ngày 27-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong chuyến làm việc với Tiền Giang cũng đã nêu rõ: Chính phủ đảm bảo bố trí đủ 2.186 tỷ đồng; sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn cho Dự án.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nhà đầu tư huy động đủ số vốn tự có là 3.400 tỷ đồng theo tiến độ như đã cam kết. Về nguồn vốn tín dụng 7.082 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Vietinbank và các ngân hàng tài trợ đàm phán, hoàn thành việc thẩm định trong tháng 9-2019.
Với những nỗ lực đầy trách nhiệm của tỉnh Tiền Giang, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc nhiệt thành của DNDA, kỳ vọng Dự án sẽ được tiến hành thuận lợi, đảm bảo tiến độ đúng như cam kết với Thủ tướng Chính phủ.