Vừa qua tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hậu Giang, khóa IX, nhiệm kỳ (2016-2021), bước vào phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Văn Quân cho biết, hiện tỉnh Hậu Giang vẫn đang thực hiện Quyết định 2050/QĐ-BNV, ngày 31/12/2015 của Bộ Nội vụ về Phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Hậu Giang.
Khu trung tâm hành chính thị xã Ngã Bảy nơi có 1 Phó Chủ tịch UBND thị xã “nợ” chuyên viên chính, nhưng vẫn được bổ nhiệm lãnh đạo.
“Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã quy định về một số vấn đề công tác cán bộ và Hướng dẫn 105 của Ban Tổ chức Trung ương đã quy định những trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nếu thiếu một trong những tiêu chuẩn theo quy định thì không bổ nhiệm và cũng không bổ nhiệm lại. Các trường hợp trước đây chúng ta bổ nhiệm chấp nhận cho thiếu thì ngay bây giờ phải học để đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn đó. Hướng tới, Sở Nội vụ cũng tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND theo hướng này vì đây là quy định của Đảng, của Chính phủ, chúng ta phải nghiêm túc thực hiện” - Giám đốc Sở Nội vụ trả lời.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, đến thời điểm hiện tại nhiều lãnh đạo các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh “nợ” chuẩn chuyên viên chính, chỉ mới có ngạch chuyên viên và mới đăng ký thi “chuyên viên chính” năm 2019, như: ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy; ông Huỳnh Ngọc Trương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ và bà Trần Diễm Thúy, Phó Chủ tịch HĐND thị xã Long Mỹ; ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A; ông Vũ Quốc Sử và ông Nguyễn Công Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A… và còn nhiều trường hợp lãnh đạo các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh còn “nợ” chuyên viên chính.
Trụ sở hành chính huyện Châu Thành A - nơi 1 Chủ tịch UBND và 2 Phó Chủ tịch UBND “nợ” chuyên viên chính, nhưng vẫn được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo.
Nhưng theo danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Hậu Giang, các chức danh lãnh đạo, Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND phải “hội tụ” đủ các điều kiện như: phải là “chuyên viên chính, phải là công chức”, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cao cấp lý luận chính trị…
Nếu đối chiếu theo quy định, thì một số chức danh lãnh đạo như: Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND thị xã... chưa đáp ứng đủ các tiêu chí để được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo chính quyền. Việc những trường hợp này là một trong những kiểu “nợ” tiêu chuẩn. Dư luận thắc mắc, đặt ra những quyết định bổ nhiệm có khách quan hay không? Quy trình bổ nhiệm được làm qua rất nhiều bước chặt chẽ nhưng xem ra “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc kỳ tiếp theo.