Tình trạng báo chí "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã giảm?

Chủ nhật, 10 Tháng 11 2019 00:11 (GMT+7)
Trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) về giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’, hay giữ tít nhưng thay đổi nội dung,… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng công cụ để theo dõi, phát hiện và xử lý tình trạng này.
 
Đã giảm hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”
 
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện cả Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và một số Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã sử dụng công cụ này để kiểm soát. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng xây dựng công cụ về lưu chiểu báo chí điện tử nên tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã giảm đáng kể.
 
ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) chất vấn
 
"Nếu cơ quan báo chí có dấu hiệu sách nhiễu, vi phạm quy định của pháp luật thì xử lý theo pháp  luật; ngoài ra còn có hình thức xử lý, giáo dục bằng đạo đức báo chí" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Người Việt Nam dành 2,5-3 giờ/ngày trên mạng xã hội
 
Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) chất vấn, quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của giới trẻ, trong khi nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại thông minh đến sức khỏe con người.
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng sử dụng điện thoại thông minh rất thường xuyên của người Việt hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao.
 
“Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới. Cái gì cũng có 2 mặt, nếu chúng ta lạm dụng nó sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy”, Bộ trưởng phát biểu.
Hiện Bộ đang nghiên cứu, làm việc để ra một số khuyến nghị, đặc biệt là đối với trẻ em về việc sử dụng Internet, mạng xã hội.
 
"Báo hóa" tạp chí điện tử là sai luật
 
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) đề nghị bộ trưởng Bộ TT&TT làm rõ tình trạng báo hoá tạp chí điện tử. Theo đại biểu, thời gian qua tình trạng này làm gia tăng một số lượng lớn phóng viên, cộng tác viên, gia tăng hiện tượng gây sách nhiễu đối với các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương, cùng nhiều biểu hiện tiêu cực khác.
 
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là hành vi vi phạm pháp luật bởi báo chí hiện nay hoạt động theo tôn chỉ, mục đích. Báo chí có cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình. Nếu là tạp chí chuyên ngành thì chỉ tập trung đưa tin hoạt động chuyên ngành của mình.
 
“Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những việc này, cũng điều tra, cũng phóng sự thông tin. Như vậy, họ đã đi vượt quá tôn chỉ, mục đích cũng như quy định về tạp chí”, ông Hùng nói và cho biết, Bộ TT&TT đang phối hợp với các đơn vị liên quan bàn bạc, đưa ra giải pháp cho tình trạng này.
Huệ Linh link - (antd.vn)
T/h: M. Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội