Ông Nguyễn Văn Na - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thị, thành và doanh nghiệp (DN) sản xuất cơ khí trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị
Trong 2 năm triển khai thực hiện kế hoạch về “Phát triển ngành cơ khí tỉnh Đồng Tháp”, Sở Công thương Đồng Tháp đã hỗ trợ cho 2 DN đăng ký đầu tư 2 dự án là Công ty TNHH MTV SX máy nông nghiệp Tây Đô và Công ty cơ khí nông nghiệp Tấn Đạt, huyện Tân Hồng với tổng số vốn hỗ trợ là 600 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhằm giúp cho các DN cơ khí của địa phương có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới trong sản xuất và nâng cao kỹ năng quản trị, Sở Công Thương đã tổ chức hội thảo cơ khí về nâng cao kỹ năng quản trị DN; tổ chức hội thảo cơ khí về đổi mới công nghệ và thiết bị sản xuất các sản phẩm sau gạo theo hướng tự động hóa. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với Hội cơ khí tỉnh tổ chức cho các DN, cơ sở cơ khí trọng điểm trên địa bàn tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển cơ khí tại tỉnh Kiên Giang.
Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, song do nhiều nguyên nhân, trong 2 năm qua, tiến độ thực hiện kế hoạch phát triển ngành cơ khí vẫn còn khá chậm. Hiện tại, vẫn còn 22 dự án chưa có DN, cơ sở đăng ký đầu tư.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện nay qui mô và năng lực sản xuất phần lớn của các cơ sở, DN cơ khí trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ở mức nhỏ và siêu nhỏ nên rất hạn chế trong việc đầu tư công nghệ mới cũng như mở rộng qui mô sản xuất. Ngoài ra, việc biến động quá lớn của thị trường cơ khí hiện nay cũng là nguyên nhân chính khiến do công tác triển khai kế hoạch phát triển ngành cơ khí của tỉnh còn chậm trong thời gian qua.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Tôn Thúc - Giám đốc Công ty TNHH Cơ Khí Đức Thành, TP.Sa Đéc cho biết: “Hiện nay, thị trường đối với các sản phẩm cơ khí gần như đang bị bão hòa, vì vậy gây không ít khó khăn cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Nhằm tăng tính cạnh tranh hơn cho sản phẩm cơ khí của Đồng Tháp, đề nghị ngành công thương cần định hướng giúp DN cơ khí phát triển theo chiều sâu. Cụ thể, nên lựa chọn những sản phẩm DN cơ khí Đồng Tháp đang có thế mạnh để khai thác sâu hơn, tạo sự cạnh tranh nhiều, hiệu quả hơn cho sản phẩm cơ khí Đồng Tháp trên thị trường”.
Công ty TNHH MTV SX máy nông nghiệp Tây Đô được hỗ trợ kinh phí theo kế hoạch về “Phát triển ngành cơ khí tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 - 2020”
Ghi nhận những đề xuất và đóng góp ý kiến của các DN cơ khí, ông Nguyễn Văn Na cho rằng: “Thời gian tới, các DN cơ khí cần quan tâm nhiều hơn đến việc sản xuất các loại máy móc phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến cũng như máy móc phục vụ sơ chế sau thu hoạch cho nông sản. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đang phát triển theo hướng chiều sâu, chế biến sâu thu hoạch đang trở thành xu thế.
Tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn đang còn thiếu nhiều máy móc phục vụ chế biến sâu trong nông nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, các DN cơ khí cần liên kết và hợp tác lại với nhau, phát huy những điểm mạnh của nhau nhằm tạo ra những ra phẩm cạnh tranh và hoàn thiện hơn”.
Nhằm tạo động lực thúc đẩy ngành cơ khí phát triển thông qua tác động khuyến khích phát triển phù hợp với tình hình thực tế của ngành, Sở Công Thương đề xuất kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét cho điều chỉnh kế hoạch thực hiện trong năm 2020 và định hướng giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, Sở Công Thương đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ so với quy định trước đây. Về máy móc thiết bị được hỗ trợ đầu tư phải tiên tiến, hiện đại theo quy định.
Theo Báo Đồng Tháp
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)