TP HCM kiến nghị tăng mức ngân sách được giữ lại

Chủ nhật, 08 Tháng 12 2019 13:16 (GMT+7)
Việc đề xuất tăng tỉ lệ giữ lại ngân sách cho TP HCM là để có thêm nguồn vốn đầu tư, tăng thêm mức đóng góp cho cả nước
Sáng 7-12, HĐND TP HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đã khai mạc kỳ họp thứ 17. Kỳ họp cuối năm nay diễn ra từ ngày 7 đến 9-12.
Tăng để phát triển bền vững
 
Đến dự và phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn suy giảm nhưng trong năm 2019, kinh tế TP HCM vẫn tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, duy trì tăng trưởng khá, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.
 
Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn ước đạt trên 1,3 triệu tỉ đồng, tăng 8,32%, cao hơn tăng trưởng cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35%, thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 8 tỉ USD, tỉ trọng đóng góp các yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng TP trên 36%. "Điều này thể hiện kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng theo chiều sâu, phát huy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ tiên tiến" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói. Một trong những điểm nổi bật, theo Bí thư Thành ủy TP HCM, là TP thu ngân sách ước đạt hơn 412.000 tỉ đồng, tăng 3,34% so với chỉ tiêu và tăng 9% so với kế hoạch thu năm 2018. Bình quân mỗi ngày làm việc, TP HCM thu ngân sách 1.620 tỉ đồng. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đang hoàn thành đề án điều chỉnh tỉ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nhằm tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách hợp lý đối với TP để TP có điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.
 
Liên quan đến vấn đề Bí thư Thành ủy TP HCM đề cập, tại kỳ họp lần này, UBND TP cũng đã có tờ trình về việc vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Để bảo đảm mức dư nợ giai đoạn 2024-2025 của TP trong hạn mức cho phép, đủ điều kiện triển khai dự án đầu tư, UBND TP đã đề xuất 3 phương án. Trong đó có phương án kiến nghị điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách TP HCM được hưởng theo phân cấp giai đoạn 2021-2025 là 24% (tăng 6% trong 5 năm). Đến giai đoạn 2026-2030, đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết lên 33% (tăng 9% trong 5 năm), bằng mức điều tiết của năm 2003. Hai mức đề xuất này đều cao hơn so với tỉ lệ điều tiết ngân sách mà TP HCM hiện được hưởng là 18%.
TP HCM kiến nghị tăng mức ngân sách được giữ lại - Ảnh 1.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họpẢnh: Hoàng Triều
Tiếp tục đóng góp lớn hơn cho cả nước
 
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng tỉ lệ điều tiết ngân sách hiện nay của trung ương cho TP HCM ở mức 18% là thuộc nhóm thấp, thậm chí thấp nhất thế giới. Theo ông Nguyễn Thành Phong, trên thế giới, tỉ lệ mà một TP được giữ lại thấp nhất là 30% đang thuộc về một TP của Nhật Bản. Tỉ lệ cao nhất là 60% thuộc về một TP của Na Uy. Trong khi đó, TP HCM chỉ được giữ lại có 18% là cực kỳ thấp.
 
Thông tin rõ hơn về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP đang phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương để hoàn thiện đề án. Theo ông, cả nước chỉ có 10 tỉnh tự cân đối được ngân sách nên TP HCM cần phải chia sẻ với các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Tuyến nêu quan điểm nếu tỉ lệ ngân sách để lại cao hơn hiện nay thì TP sẽ có nguốn vốn đầu tư, phát triển mạnh hơn nữa. Khi ấy, TP cũng có khả năng lo được nhiều hơn cho cả nước.
 
Cũng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, điều quan trọng là khi được điều tiết mức để lại thì nguồn vốn này phải sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng chạy vốn, lãng phí, thất thoát ngân sách. Ông cũng cho biết Ban Kinh tế Trung ương đang hỗ trợ TP chuyên đề phân tích về vấn đề đầu tư để Trung ương thấy rằng việc tính toán lại ngân sách cho các địa phương, cân đối hài hòa để cùng phát triển. TP HCM sẽ cố gắng hoàn thành đề án để trình Trung ương vào cuối năm nay. 
 
Vụ dâm ô ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội "xảy ra ngoài ý muốn"
Chiều cùng ngày, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt vấn đề về vụ dâm ô nhiều bé gái ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Minh Tấn cho biết đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn của sở và các cán bộ của cơ quan này đang kiểm điểm trách nhiệm từ ban giám đốc đến nhân viên. Bên cạnh đó, sở cũng đang tổng kiểm tra, rà soát 17 trung tâm bảo trợ xã hội để chấn chỉnh nội quy, quy chế chế độ chăm sóc những đối tượng yếu thế.
 
Quyết 21 vấn đề quan trọng
Trong 3 ngày làm việc, HĐND TP HCM sẽ xem xét, bàn luận và quyết 21 vấn đề quan trọng của TP, trong đó có: Xem xét việc tăng giá dịch vụ y tế ngoài bảo hiểm; chi 4.800 tỉ đồng làm đường mới ở sân bay Tân Sơn Nhất; kéo dài đề án sữa học đường; danh mục dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích gần 29 ha, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với hơn 561 ha... Ngoài ra, HĐND TP cũng xem xét chủ trương đối với dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa (giai đoạn 3: 16 ha); 3 dự án nhóm B về bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đi qua các quận 3, 10, Tân Bình.
 
Hôm nay (8-12), kỳ họp tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2020; nghe báo cáo chuyên đề "Việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP".
Phan Anh - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội