Các nhà khoa học phân tích về bãi cọc Bạch Đằng ngàn năm tuổi

Chủ nhật, 22 Tháng 12 2019 12:15 (GMT+7)
Theo các nhà khoa học, bãi cọc là những chứng tích không chỉ làm sáng tỏ hơn không gian của chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288, mà còn cho thấy nghệ thuật quân sự tài tình của Trần Hưng Đạo.
 
Các nhà khoa học phân tích về bãi cọc Bạch Đằng ngàn năm tuổi - Ảnh 1.
Lãnh đạo TP Hải Phòng cùng các nhà khoa học đến thực địa nghiên cứu bãi cọc
 
Ngày 21-12, TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. 
 
TS Bùi Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước - Viện Khảo cổ học, đã trình bày báo cáo kết quả khai quật di tịch bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Theo đó, ở 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Qùy, với diện tích gần 1.000 m2, đoàn khảo sát đã đào được 27 cọc gỗ lim cổ. Dựa vào địa tầng của khu vực này có thể đoán định khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông, đã bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ.
 
Trên các cọc có "ngoạm" dùng để luồn dây kéo; đối với cọc to hơn thì "ngoạm" này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển. Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 (hiện lưu giữ tại đình Làng Mai) cho thấy cọc này có niên đại 1.270-1.430 sau công nguyên (AD). Các cọc gỗ này có thể thuộc bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
 
Các nhà khoa học phân tích về bãi cọc Bạch Đằng ngàn năm tuổi - Ảnh 2.
---
Các nhà khoa học phân tích về bãi cọc Bạch Đằng ngàn năm tuổi - Ảnh 3.
Dấu tích hào hùng từ ngàn năm trước vẫn còn tồn tại
 
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của TP Hải Phòng. Nước ta đã có 3 cuộc chiến thắng oanh liệt trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, đó là: Năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán; năm 981, Lê Đại Hành đại thắng quân Tống và năm 1288, Trần Hưng Đạo đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Ông nêu rõ khu vực bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, cùng với khu di tích Bạch Đằng Giang sẽ là một địa chỉ đỏ để giáo dục và hun đúc truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. 
 
TS Lê Thị Liên, Trưởng phòng nghiên cứu dưới nước của Viện khảo cổ học - người trực tiếp tham gia đoàn khảo sát, cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm, khảo sát nhưng không thấy cọc. Việc khai quật được bãi cọc lần này giúp các nhà nghiên cứu có được các hướng nghiên cứu mới về thế trận toàn dân, "thiên la địa võng" mà quân dân nhà Trần đã giăng ra để đánh thắng quân địch, nâng tầm chiến thắng Bạch Đằng lên một tầm mới".
Do đó, các nhà khoa học nhận định trận chiến trải dài cả khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh đến Vạn Kiếp (Hải Dương), đây là chiến công của cả dân tộc, chứ không chỉ của xóm làng nào.
 
Các nhà khoa học phân tích về bãi cọc Bạch Đằng ngàn năm tuổi - Ảnh 4.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam, cho rằng cần mở rộng việc khai quật thêm nữa. Lúc đó có thể tìm được cả một khu di tích cho chiến trận Bạch Đằng, và cần phải bảo tồn di tích, hiện vật một cách khoa học.
 
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội di sản Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học, nhấn mạnh: Trận chiến Bạch Đằng là chiến trận toàn dân, chứng minh hào khí Đông A, giữ vững truyền thống yêu nước. Nếu nhìn từ góc độ di sản văn hóa, tinh thần Đông A là sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. "Hải Phòng có thể đầu tư để Bảo tàng TP trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách, làm cho mạch ngầm về hào khí Đông A tuôn chảy mãi"- PGS-TS Đặng văn Bài nói.
 
Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đề nghị các cấp, các ngành TP liên quan cần phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên; khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp TP; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc. 
 
Tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực, yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại...
 
Trọng Đức - (nld.com.vn)
T/h: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội