Còn một phi công lừng danh bắn rơi 8 máy bay Mỹ, ngoài anh hùng Nguyễn Văn Bảy

Thứ năm, 02 Tháng 1 2020 09:33 (GMT+7)
Bên cạnh phi công Nguyễn Văn Bảy lừng danh, còn một anh hùng bắn rơi 8 máy bay Mỹ nữa mà ít người biết đến.
 
Chúng tôi tìm đến nhà Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hồng Nhị tại đường Đồng Nai, quận Tân Bình, TP.HCM vào một ngày cuối năm. Đón chúng tôi là cụ bà đẹp lão, tóc bạc gần hết, khuôn mặt hiền hậu đầy những nếp gấp thời gian.
 
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu cuộc đời phi công huyền thoại từng bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bà thở dài: "Ông nhà tôi sống thực vật gần 5 năm nay rồi, cử động còn không được thì làm sao trò chuyện bây giờ".
Còn một phi công lừng danh bắn rơi 8 máy bay Mỹ, ngoài anh hùng Nguyễn Văn Bảy - 1
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hồng Nhị - người từng bắn rơi 8 máy bay Mỹ.
Nhớ lại thời oanh liệt khiến không quân Mỹ phải e sợ của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị, hình ảnh người hùng nằm bất động trên giường bệnh ngày nay khiến những ai nhìn thấy khó tránh khỏi cảm giác đau xót, ngậm ngùi bởi sự vô tình đến tàn nhẫn của thời gian. Thế nhưng, bà Thanh Dậu chấp nhận điều đó với sự thanh thản của người vợ đã bền lòng bên chồng bao nhiêu năm trường.
 
Với bà, dù bệnh tật có hành hạ hơn nữa, dù ông có phải tiếp tục nằm đó bao lâu nữa, bà vẫn luôn chăm sóc tận tụy, hài lòng với việc cùng nhau trải qua tuổi tác, bệnh tật theo luật trời.
 
"Cô thấy không, ông ấy nằm bất động cả gần 5 năm rồi, nhưng người không hề bị lở loét, da dẻ vẫn hồng hào. Cô biết là do sao không? Là do được chăm sóc bằng tất cả tình cảm đó. Tôi vốn là y sĩ, nên việc chăm sóc cũng kỹ hơn người bình thường", bà Thanh Dậu cười hiền chia sẻ.
 
"Ăn gian" để được đi bộ đội
 
Cụ bà là Nguyễn Thị Thanh Dậu, 73 tuổi, bạn đời của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị, người luôn ở bên cạnh ông suốt từ thuở thanh xuân đến những năm tháng bệnh tật của tuổi già. Ở tuổi 83, người anh hùng từng làm phi công Mỹ khiếp sợ trên bầu trời năm xưa giờ nằm bất động, trông cậy vào đôi tay ân cần của vợ.
 
Vừa sửa lại gối, kiểm tra chăn cho vị tướng, bà Dậu vừa khoe chồng với nét tự hào: "Ông ấy tham gia cách mạng hăng say, trong công việc luôn rất nghiêm khắc, thế nhưng về nhà lại rất điềm tĩnh và nhẹ nhàng, chu đáo".
 
Còn một phi công lừng danh bắn rơi 8 máy bay Mỹ, ngoài anh hùng Nguyễn Văn Bảy - 2
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị hiện đang lâm bệnh nặng, được vợ ân cần chăm sóc. (Ảnh: Thy Huệ)
Dù không chứng kiến hết các sự kiện của cuộc đời vị tướng anh hùng, nhưng bà Dậu vẫn thuộc nằm lòng những câu chuyện liên quan đến chồng mình, từ thuở ấu thơ. Bà bảo, 25/5/1952 là ngày đánh dấu bước ngoặt đầu tiên, làm nên dấu ấn của cuộc đời phi công lừng danh này.
 
“Ngày đó, đội thiếu niên tại quê nhà ông ấy chọn ra được 10 người chiều cao kha khá để đi khám tuyển. Ông nhà tôi “láu cá”, muốn chắc chắn đậu nên mượn đôi dép lốp của người lớn đi vào nhằm tăng chiều cao, lại còn ăn gian thêm mấy cục đá vào túi quần cho nặng.
 
Tôi báo cáo về sở chỉ huy: Đã 'uống bia' xong! Đó là tiếng lóng mật khẩu - có ý nghĩa phóng tên lửa.
Tướng Nguyễn Hồng Nhị
 
Tưởng rằng mấy trò này sẽ khiến ông ấy bị loại ngay lập tức. Nhưng hóa ra ông lại được nhận chính vì tinh thần hăng hái ấy chứ không phải do chiều cao hay cân nặng.
 
Trúng tuyển là phải đi ngay nên ông ấy chỉ kịp viết mấy dòng báo gia đình, gửi những người không trúng tuyển đem về rồi theo đơn vị lên đường. Gia tài mang theo là cái bát sọ dừa già xin của dân, đôi đũa tre tự vót và bộ quần áo màu xám tro được đơn vị phát cho", vừa thay băng cho chồng, bà Dậu vừa nhớ lại.
 
Lần đầu bắn rơi máy bay Mỹ
 
Lục lại cuốn nhật ký chiến đấu của chồng được cất kỹ trong tủ, bà Dậu cẩn thận lật từng trang. Dường như vợ của vị tướng đã thuộc lòng nội dung, bởi 5 năm chăm chồng trên giường bệnh là chừng ấy năm bà nghiền ngẫm lại cuộc đời ông qua những dòng nhật ký.
 
Cầm cuốn sổ bà trao, tôi lật đến trang kể về ngày 4/3/1966, ngày phi công Nguyễn Hồng Nhị bắn rơi máy bay Mỹ lần đầu. Trưa và chiều hôm đó trời quang mây, rất thuận lợi cho máy bay chụp ảnh tầng cao hoạt động, và tình báo cho biết sẽ có máy bay địch tới. Anh em trong đơn vị được yêu cầu chuẩn bị các phương án đánh.
 
Còn một phi công lừng danh bắn rơi 8 máy bay Mỹ, ngoài anh hùng Nguyễn Văn Bảy - 3
Phi công Nguyễn Hồng Nhị với máy bay Tiêm kích MiG-21 tại sân bay Nội Bài năm 1967. (Ảnh: Thy Huệ)
"Đặt ống nghe vào máy, tôi giở bản đồ xem lại các phương án. Nếu U-2 (một loại máy bay) vào thì chỉ có một phương án. Đó là biên giới Việt - Lào. Còn nếu là máy bay không người lái thì nhiều phương án hơn.
 
Đánh máy bay không người lái dễ thì ít, khó thì nhiều. Dễ là nó bay theo chương trình lập sẵn, không có đối kháng gì; khó là thân hình nó nhỏ, khó phát hiện sớm. Nếu phát hiện muộn, tốc độ tiếp cận lớn (hơn 1000 km/h), ta sẽ không kịp phóng tên lửa, dễ đâm vào nó hoặc xông lên trước nó" - ông Nguyễn Hồng Nhị viết trong nhật ký.
 
Bởi vậy, chiến thuật của phi công ta là từng chiếc MiG-21 nối nhau công kích một mục tiêu; nếu chiếc đi đầu bắn trượt thì đã có chiếc nối đuôi bắn tiếp. Từ sở chỉ huy, Chính ủy trung đoàn gọi điện cho ông Nhị động viên: "Hôm nay gặp thời cơ, cậu bình tĩnh bắn cho chuẩn xác nhé!".
 
Sau khi lấy lại bình tĩnh, ông Nhị ra đứng trước thềm để xem tình hình thời tiết và nhẩm lại phương án bay thì nhận được thông tin máy bay địch xuất hiện. Mọi người trong phiên trực hối hả, răm rắp làm nhiệm vụ của mình. Chuẩn bị xong, phi công Hồng Nhị chạy thật nhanh trèo lên buồng lái, cài khóa dù, bật công tắc vô tuyến, ấn nút liên lạc với sở chỉ huy.
 
Mật khẩu mở máy lăn ra đường băng và cất cánh lúc đó là “Ấp Bắc”. "Trong tai mũ bay của tôi vang lên tiếng “Ấp Bắc” của đồng chí sĩ quan dẫn đường. Tôi lập tức vừa trả lời “Rõ!”, vừa ấn nút khởi động động cơ. Tiếng động cơ kêu to dần, vòng quay của rô-to cũng tăng lên từ 0 đến 60% trong chưa đầy 45 giây. Tôi giơ tay trái lên ngang đầu để báo cho đồng chí tổ trưởng tổ thợ máy rút chèn bánh cho máy bay lăn ra đường băng, cất cánh" - trích nhật ký của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị.
Còn một phi công lừng danh bắn rơi 8 máy bay Mỹ, ngoài anh hùng Nguyễn Văn Bảy - 4
Những tấm ảnh kỷ niệm trong nhà tướng Nguyễn Hồng Nhị. (Ảnh: Thy Huệ)
Khi phát hiện mục tiêu và đề nghị công kích được sở chỉ huy chấp nhận, máu trong người chàng phi công trẻ như dồn hết về tim để tạo ra sức mạnh kỳ diệu của sự bình tĩnh, chính xác. Ông Nhị đưa mục tiêu vào tâm vòng ngắm, ấn nút “bám sát mục tiêu” của radar để xác định cự li bắn, rồi ấn nút phóng tên lửa.
 
Quả tên lửa hồng ngoại K-13 vọt ra khỏi cánh máy bay và lao về phía máy bay Mỹ.
 
Ông Nhị viết: "Tôi nhớ lại, nó giống như cái lần tôi bắn bia ở trường bắn Axtra-khan. Trong mũ bay, tai hãy còn nghe tiếng kêu o o của quả tên lửa thứ hai bắt được nhiệt của mục tiêu. Tôi lập tức ấn nút phóng quả thứ hai để đảm bảo chắc chắn là mục tiêu đã bị tiêu hủy.
 
Tôi báo cáo về sở chỉ huy: Đã 'uống bia' xong! Đó là tiếng lóng mật khẩu - có ý nghĩa phóng tên lửa. Sở chỉ huy cũng thông báo rằng trên màn hình, mục tiêu đã mất, và cho tôi hướng bay về sân bay hạ cánh.
 
Từ trên vùng trời cao Quảng Ninh, tôi bay về sân bay Đa Phúc, thật là nhẹ nhõm trong người bởi đã hoàn thành được công việc mà cả tập thể Trung đoàn giao phó, thực hiện được nguyện vọng, khát khao của từ người chiến sĩ gác đường băng cho đến người chỉ huy cao nhất Trung đoàn, đó là: Từ trận đầu, MiG-21 phải bắn rơi máy bay Mỹ! Hôm nay, tôi đã thực hiện được trọn vẹn mong ước đó!".
 
Bà Dậu cho biết, trong quá trình học tập để trở thành phi công, ban đầu ông Nhị được chọn đi học lái máy bay tiêm kích - bom. Nhưng khi về nước, ông lại được giao lái máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21.
 
Đây là trở ngại lớn vì những khoa mục, bài tập tiêm kích ông từng được học rất ít, không thuần thục.Thế nhưng, bằng lòng dũng cảm, sáng tạo, ông đã trở thành người đầu tiên bay trên MiG-21 chiến đấu và cũng là trận đánh trên cũng là lần đầu tiên MiG-21 của ta lập công diệt địch.
 
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị, sinh năm 1936, tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định - từng bắn rơi 8 máy bay Mỹ. Ông được tặng thuởng 2 Huân chương Quân công (hạng Nhì, Ba), 2 Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, 8 Huy hiệu Bác Hồ…
Thy Huệ - (vtc.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội