Đã uống rượu bia, không lái xe
Từ 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực. Đáng chú ý nhất trong Luật này chính là quy định "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" - tức là người điều khiển xe đạp, xe máy hay ô tô... đều không được phép có cồn trong máu hoặc khí thở.
Đây cũng là điểm khác biệt so với quy định trước đó. Vì theo quy định cũ, người điểu khiển phương tiện giao thông vẫn có thể có cồn trong máu hoặc khí thở, miễn chỉ cần dưới ngưỡng quy định là vẫn không phạm luật.
Nhưng theo luật mới thì chỉ số nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người tham gia giao thông "bắt buộc phải bằng 0". Quy định này nhắm tới những đối tượng uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Ăn vải, uống siro cũng có cồn
Trước điều luật nghiêm khắc trên, nhiều người hoang mang khi nghe thông tin người ăn vài quả vải hoặc uống siro ho khi thổi vào máy đo nồng độ cồn cũng báo "có cồn".
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khi ăn một số loại quả như vải vào dạ dày một thời gian, lượng cồn trong quả vải rất nhỏ, không đủ để hấp thụ vào trong máu, chuyển hóa qua phổi, khiến cho hơi thở có cồn. Chính vì vậy, dù ăn ít hay nhiều thì máy đo vẫn báo nồng độ cồn trong khoang miệng sau khi ăn vải.
“Không riêng gì vải mà nhiều loại trái cây khác như: nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài... thậm chí là một số loại siro ho hay thuốc uống khi lên men, ai ăn vào cũng xảy ra hiện tượng trên.
Chúng ta để ý vị giác cũng có thể nhận ra, bởi những loại quả trên khi để lâu ngoài môi trường sẽ có mùi cồn đặc trưng, thậm chí qua thời gian dài tiếp tục được chuyển hóa sang dạng axit nên có mùi chua”, PGS Thịnh nói.
Cần phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật cấm uống rượu bia khi lái xe cụ thể, rõ ràng.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu
Như vậy, chiếu vào quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì những người ăn vải, uống thuốc ho khi tham gia giao thông cũng có thể phạm luật.
Và nỗi lo ngại trước khả năng bị CSGT phạt lỗi nồng độ chỉ chỉ vì lỡ ăn vài quả vài, hay uống thuốc ho dạng siro của người dân là hoàn toàn có lý.
Chia sẻ với PV VTC News, bà Nguyễn Thị Kim Quý (43 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ lo lắng vì bản thân thích ăn vải mà lại thường xuyên lái xe ô tô.
"Nếu tới mùa vải mà không được ăn vải thì quá tiếc. Nhưng giờ ăn vải thôi mà thổi vào máy đo nồng độ cồn cũng báo có cồn thì tôi thật sự phải cân nhắc lại xem có nên ăn hay không, vì lỗi nồng độ cồn với lái xe ô tô phạt rất nặng", bà Quý nói.
Cùng mối băn khoăn trên, anh Nguyễn Huy Quang (38 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh hay bị ho khi thời tiết thay đổi. Và mỗi khi ho, anh lại sử dụng một loại thuốc ho được bào chế dạng siro uống.
"Giờ nếu thời tiết thay đổi mà lại uống chút siro ho, rồi lái ô tô đi làm có khi cũng bị CSGT phạt lỗi nồng độ cồn, đi tong chục triệu vì uống thuốc hợp pháp thì éo le quá", anh Quang bày tỏ.
Nên có hướng dẫn cụ thể
Về những băn khoăn trên, trả lời VTC News, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định, cá nhân ông không ủng hộ quy định "cấm 0% nồng độ cồn" khi tham gia giao thông.
"Tôi không nhấn nút thông qua quy định này khi Quốc hội biểu quyết", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, đa số các ĐBQH ủng hộ quy định trên, và đây là luật, luật ban hành thì nên ông ủng hộ.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng có nhiều nguồn tạo ra cồn, như hoa quả, thức ăn hay một số loại thuốc, chứ không chỉ riêng rượu, bia. Cho nên, vị đại biểu này cho rằng cần phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành cụ thể, rõ ràng cho lực lượng chấp pháp thực hiện.
Ủng hộ quan điểm của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, ĐBQH Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho biết, thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng do lái xe có sử dụng rượu, bia. Việc đưa quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe" vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là cần thiết.
"Để giảm thiểu tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia thì luật càng ngày càng phải chặt chẽ, khắt khe hơn để điều chỉnh những hành vi đó", ông Giang nói.
Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng, cần phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành cụ thể, rõ ràng. Vì có nhiều nguồn có thể sinh ra cồn trong máu hoặc khí thở chứ không riêng gì rượu, bia. Và riêng cồn cũng có nhiều loại khác nhau.
Đối với các trường hợp không uống rượu, bia nhưng do ăn một số loại quả, hay sử dụng một số loại thuốc nên khi thổi vào máy đo vẫn báo "có cồn" và có thể bị CSGT phạt, ông Giang cho rằng việc máy đo không xác định được các loại cồn khác nhau để xác định nguồn tạo ra cồn trong máu, trong khí thở là do rượu, bia hay do ăn các loại quả, uống siro ho "là do thiết bị đo của chúng ta".
Nói về máy đo, đại biểu Thái Trường Giang cũng cho rằng nên nghiên cứu làm sao để có được những loại máy đo có thể xác định được cồn trong máu, trong khí thở của người tham gia giao thông là từ rượu, bia hay nguồn nào khác.
THÀNH TRUNG - (vtc.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)