Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, vấn nạn ùn tắc giao thông tại TP vẫn đặc biệt nhức nhối, bởi lượng xe dự báo tiếp tục gia tăng, trong khi hạ tầng không theo kịp. TP HCM định hướng hàng loạt giải pháp để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, trong đó có giải pháp chuyển dần vận tải hàng hóa về đêm.
Thu phí ôtô vào nội đô
Tại TP HCM, hiện có hơn 8 triệu ôtô, xe máy, mỗi ngày trung bình có trên 1.000 xe đăng ký mới. Năm 2019, TP HCM có 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, hiện 15 điểm đang chuyển biến tốt, 7 điểm chuyển biến nhưng tình hình còn phức tạp và 6 điểm không chuyển biến.
Sở GTVT TP cho biết đang lấy ý kiến từ các bên liên quan về việc công bố xóa 6 điểm ùn tắc có chuyển biến tốt; đồng thời bổ sung các điểm phát sinh mới để có kế hoạch xử lý trong năm 2020. Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp bao quát và căn cơ vẫn là phát triển hệ thống giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân.
Sở GTVT đã xây dựng đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.
UBND TP đã cơ bản thống nhất dự thảo đề án này và giao Sở GTVT nghiên cứu, bổ sung để hoàn chỉnh trước khi trình HĐND TP tại kỳ họp thường niên giữa năm 2020. Cùng với các giải pháp trước mắt phát triển hệ thống giao thông công cộng, hàng loạt giải pháp khác cũng đang được định hướng thực hiện để kiểm soát xe cá nhân, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Cụ thể, sẽ kiểm soát xe cá nhân vào khu trung tâm, thu phí ôtô vào nội thành.
Bên cạnh đó, TP cũng sẽ chuyển đổi phương tiện và cấm lưu thông đối với xe thô sơ 3-4 bánh vào khu trung tâm, tổ chức bãi đỗ và điểm dừng cho xe khách, taxi hoạt động trên địa bàn TP. Đồng thời, phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng đường thủy, kiện toàn và nâng cao năng lực của cơ quan quản lý giao thông công cộng TP.
Hoạt động vận tải hàng hóa tại TP HCM đang được định hướng chuyển dần sang ban đêm
Giá cả sẽ tăng
Về giải pháp chuyển dần vận tải hàng hóa vào ban đêm, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho rằng giải pháp này sẽ tác động đến xã hội rất lớn; đơn cử như tính ở khu nội đô, hàng ngàn cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị... hiện có nhu cầu thường xuyên xuất, nhập hàng hóa ban ngày. Nếu chuyển toàn bộ các hoạt động vận chuyển hàng hóa về đêm, sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, trao đổi hàng hóa. "Xe ban ngày nằm chờ rồi dồn hết về đêm, trong khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng phải thay đổi các mô hình... Khi chi phí vận tải tăng lên, đồng nghĩa giá thành cũng sẽ tăng theo" - ông Quản nhìn nhận.
Mặt khác, theo ông Quản, vấn đề kẹt xe có nguyên nhân chính là hiện khu trung tâm có mật độ xây dựng quá lớn, dày đặc các cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại... kéo theo nhu cầu đi lại rất lớn, dồn hết vào khu trung tâm. Trong khi đó, ở các khu cảng lớn như Cát Lái, Phú Hữu... quy hoạch hạ tầng bến bãi cho xe chở hàng hiện thiếu trầm trọng, các tuyến đường vành đai cũng chưa hoàn thành, dẫn đến các phương tiện không chỉ tốn thời gian di chuyển, chi phí, mà còn bắt buộc phải đi xuyên tâm. Do đó, với thực trạng hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho rằng một trong những giải pháp cấp thiết là, phải hạn chế mật độ xây dựng các công trình tập trung đông người ở khu trung tâm, di dời các trường học, bệnh viện... ra ngoài. Riêng chuyển dần hoạt động vận tải hàng hóa vào ban đêm, đó cũng là một giải pháp nhưng cần xác định ưu tiên phương án nào khả thi. Trong đó, cần lập kế hoạch và lộ trình cụ thể, xác định khu vực, tuyến đường nào nên cấm hoặc hạn chế thì mới phù hợp.
Trong khi đó, theo Sở GTVT, các nhóm giải pháp trên là những định hướng lâu dài, khi Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân được thông qua, sở sẽ triển khai các nhóm giải pháp theo từng giai đoạn. Trong đó, có những nhiệm vụ chi tiết, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, lộ trình cụ thể theo định hướng phát triển của TP.
Nhiều nước thu phí giao thông
Để giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông, nhiều nơi trên thế giới như: Singapore và thủ đô Paris (Pháp) đã đầu tư mạnh cho hệ thống giao thông công cộng và áp phí giao thông tại một số tuyến đường trong giờ cao điểm. London (Anh) thì thu phí ở một số tuyến đường trung tâm vào những khung giờ nhất định. Indonesia dùng hệ thống thu phí đường bộ điện tử có định vị vệ tinh để nhận diện quãng đường đi và thu phí theo điều kiện giao thông, quãng đường xe đi để giảm ùn tắc giờ cao điểm mà vẫn có thể tính phí đường bộ một cách chính xác.
X.Mai
Bài và ảnh: GIA MINH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)