Ngày 12-1, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết vừa ký văn bản kiến nghị Chính phủ về việc đề xuất tạm giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ xe ô tô, xe máy do vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang hiến kế nên giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ xe ô tô, xe máy do vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ. Ảnh: CA LINH
Theo đó, trong thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ các phương tiện vi phạm trong lĩnh vực này là khá lớn. Chỉ tính riêng đến tháng 9-2019, toàn tỉnh đã tạm giữ gần 8.200 phương tiện các loại. Trong số này, các phương tiện đủ điều kiện trả lại cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp chỉ được hơn 5.000 phương tiện. Trong khi đó, số phương tiện còn lại phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước và thực hiện bán đấu giá hay tiến hành xử lý theo quy định.
Số phương tiện tồn đọng nhiều là do quá trình xử lý gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như để hoàn chỉnh hồ sơ tịch thu phương tiện vi phạm theo luật hiện hành thì phải mất từ 3-4 tháng. Lí do là các đơn vị chức năng phải thực hiện các bước theo quy trình như mời người vi phạm đến giải quyết, thông báo cho chủ phương tiện hoặc người sử dụng hợp pháp trực tiếp hoặc trên các phương tiện truyền thông, giám định số khung, số máy, lập hội đồng giám định giá trị tài sản rồi mới ra quyết định tịch thu.
Chính vì vậy dẫn đến các phương tiện bị tạm giữ phát sinh hư hỏng, gây lãng phí tài sản của xã hội. Có những trường hợp do bị phạt tiền với mức quá cao trong khi hoàn cảnh gia đình của người vi phạm còn khó khăn nên không khả năng nộp phạt hoặc không có tài sản có giá trị…
Do đó, phần lớn người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt và cơ quan có thẩm quyền ra quyết định này cũng không thể thực hiện cưỡng chế theo quy định. Khó khăn hơn nữa là có những trường hợp người vi phạm khai địa chỉ không rõ ràng hoặc phải đi làm ăn xa nên việc xác minh tịch thu phương tiện gặp rất nhiều khó khăn. Cũng có khi ngành chức năng thông báo về cho địa phương người vi phạm thì họ không nhận được cũng vì đi làm ăn xa nhà. Đặc biệt, đối với những phương tiện vận chuyển hàng cấm với mức phạt tiền cũng cao hơn nhiều so với giá trị phương tiện đang bị tạm giữ nên người vi phạm không nhận quyết định xử phạt và bỏ luôn phương tiện. Hơn nữa, thời hiệu xử lý đối với các phương tiện này cũng tương đối dài để các cơ quan chức năng thực hiện công tác điều tra nên phát sinh hư hỏng là khó tránh khỏi.
"Ở vùng nông thôn, chiếc xe máy là cả tài sản của gia đình người dân và là phương tiện kiếm sống của nhiều người. Cuộc đời con người ta vui nhất là cất được nhà rồi sau đó đến cưới được vợ và sắm được phương tiện đi lại nên nếu họ không vi phạm lỗi vì quá nghiêm trọng như gây tại nạn chết người hoặc án mạng gì đó có liên quan thì cơ quan chức năng không nên giữ phương tiện như thế"- ông Nưng chia sẻ.
T.Nốt(nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)