Lớp nghề nấu ăn tại phường Thới Long.
Theo ông Thái Ngọc Lượng, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ô Môn, năm 2019, quận phối hợp đơn vị đào tạo và UBND các phường tổ chức 7 lớp nghề: may gia dụng, may công nghiệp, trang điểm, nấu ăn, lái xe B2, nghiệp vụ du lịch, cho 245 lao động. Trước đó, các phường tổ chức khảo sát nhu cầu lao động, chọn đúng đối tượng học nghề, tạo việc làm; tư vấn, định hướng học nghề phù hợp nhu cầu thị trường lao động, dễ tìm việc tại địa phương. Ngành chức năng quận phối hợp các phường thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình học nghề; chỉ đạo các đơn vị đào tạo thường xuyên cập nhật thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài quận để chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp, đáp ứng trình độ học viên, đảm bảo yêu cầu đơn vị tuyển dụng.
Ông Phạm Thành Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận, cho biết, thời gian qua, nỗ lực duy trì và phát triển mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, Trung tâm phối hợp Công ty TNHH May xuất khẩu Phước Thới (phường Phước Thới, quận Ô Môn), Cơ sở may Diễm Trinh (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn), Công ty TNHH May Ngọc Thơ (phường An Thới, quận Bình Thủy), tiếp nhận học viên lớp nghề may, với mức thu nhập phù hợp. Chị Nguyễn Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, kể: “Sau khi kết thúc lớp nghề may gia dụng, chúng tôi giới thiệu các chị trong độ tuổi lao động làm việc tại các công ty may. Đồng thời, chủ động liên hệ các cơ sở may tư nhân để nhận hàng giao các chị trung niên may gia công tại nhà”. Bên cạnh các học viên lớp nghề nấu ăn được giới thiệu đến làm việc tại cơ sở Dịch vụ Nấu ăn Thanh Tùng; học viên lớp nghề trang điểm được giới thiệu đến làm việc tại 2 cơ sở Cắt - Uốn tóc - Trang điểm Khánh Băng, Yến Nhi, một số học viên tự tạo việc làm. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các mô hình làm ăn hiệu quả như: đan ghế (phường Châu Văn Liêm), may gia công (phường Thới Long); phối hợp cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hồng Hào (huyện Thới Lai) cung cấp nguyên vật liệu, bao tiêu sản phẩm để ổn định thu nhập đối với học viên lớp nghề đan dây nhựa.
Năm 2020, bên cạnh thường xuyên quan tâm mở các lớp nghề để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, quận chú trọng các nghề lao động có thể chuyển đổi phù hợp thị trường hiện nay, từng bước chyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ hợp tác tại địa phương, các khu công nghiệp trong và ngoài địa bàn. Đồng thời, tăng cường khảo sát lồng ghép tư vấn lao động học các nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Quận chủ động hỗ trợ duy trì các mô hình đã có cũng như xây dựng các mô hình mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc làm sau học nghề.
Bài, ảnh: MAI THY - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)