Xứng tầm đô thị trung tâm vùng sông nước Cửu Long

Thứ bảy, 25 Tháng 1 2020 09:33 (GMT+7)
Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, Cần Thơ đã huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư lớn nhằm nâng cấp, chỉnh trang, cũng như mở rộng các khu đô thị, xứng tầm một đô thị lớn và là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
* Những bước “chuyển mình” mạnh mẽ
Khu vực bến Ninh Kiều, cầu đi bộ nâng tầm đô thị Cần Thơ.
 
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 17-2-2005, của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Cần Thơ đã triển khai công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị theo đúng các định hướng của Trung ương. Cần Thơ đã phấn đấu và được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là đô thị loại I vào năm 2009. Đây là một bước ngoặt quan trọng đối với thành phố trong quá trình phát triển và định vị là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Nhiều khu dân cư, khu đô thị mới được hình thành. Các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt có những bước chuyển mình mạnh mẽ về hình hài đô thị với các tiện ích dịch vụ đô thị ngày một phong phú. Nhiều khu vực được đầu tư hạ tầng đồng bộ, khang trang: Khu đô thị Nam Cần Thơ, Khu Tái định cư dự án Nâng cấp đô thị (Khu Thới Nhựt)… Khu vực ngoại thành: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh cũng thay đổi căn bản về bộ mặt đô thị, được đầu tư cơ bản về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đóng vai trò trung tâm huyện lỵ cũng như là đô thị vệ tinh trong hệ thống phát triển đô thị của TP Cần Thơ.
 
Khu đô thị Nam Cần Thơ đã phát triển nhiều dự án khu dân cư. 
 
Có thể nói, khu đô thị Nam Cần Thơ là một thành công của thành phố trong lĩnh vực phát triển đô thị. Những dự án đã đạt được yêu cầu của đô thị mới: Khu dân cư Hưng Phú 1, Khu dân cư Nam Long, Nam Long - Hồng Phát, Khu dân cư 586… Sự định hình một đô thị tại cửa ngõ quận Cái Răng đã góp phần vào kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ của TP Cần Thơ. Khu đô thị Nam Cần Thơ cung cấp nơi ở, việc làm, hệ thống dịch vụ - thương mại - hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục…) cho một lượng lớn cư dân thành phố.

Trong khi đó, Ninh Kiều- Khu đô thị trung tâm của thành phố, luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng nhằm chỉnh trang đô thị, đảm bảo môi trường phát triển ổn định. Trong đó, nổi bật là kết quả của 3 dự án nâng cấp đô thị lớn do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Những công trình cải thiện môi trường: hồ Xáng Thổi, rạch Tham Tướng, sông Cái Khế, hồ Bún Xáng, nâng cấp hệ thống hẻm, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường nội ô… đã tác động tích cực đến đời sống người dân trong các khu vực được đầu tư. Cùng với những không gian công cộng được đầu tư mới, đẹp và hiện đại: công viên Lưu Hữu Phước, cầu đi bộ bến Ninh Kiều, công viên Sông Hậu, công viên Ninh Kiều… đã trở thành những “điểm nhấn” quan trọng của bộ mặt đô thị thành phố.
 
Công viên Lưu Hữu Phước thoáng đãng, phục vụ cư dân đô thị.
 
* Hướng tới đô thị sinh thái đáng sống
 
“Với việc xác định được đặc thù đô thị sông nước và vốn văn hóa đặc sắc, TP Cần Thơ có cơ hội phấn đấu xây dựng Cần Thơ - thành phố sông nước, đô thị sinh thái đáng sống. Để hướng đến mục tiêu trên, quan điểm của thành phố là cần phải đổi mới toàn diện và đồng bộ, huy động cao nhất mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng, phát triển Cần Thơ xứng tầm; phải bảo đảm phát triển bền vững. Kết quả phát triển thành phố không chỉ đạt trên các thống kê về bộ tiêu chí, tiêu chuẩn mà còn phải được đông đảo người dân, du khách, nhà quản lý, chuyên gia ghi nhận. Đây chính là những mong mỏi cơ bản nhất về một thành phố đáng sống…” - Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ Mai Như Toàn cho biết định hướng phát triển đô thị của Cần Thơ thời gian tới.
 
Cần Thơ nỗ lực phát triển các công trình hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp.
 
Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái. Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Sử cho rằng: Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, về nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như xây dựng và phát triển đô thị sinh thái hơn 1.196 tỉ đồng. Hiện nay, có 8 doanh nghiệp đang xin đầu tư dự án tại huyện, chủ yếu là các dự án khai thác du lịch sinh thái… Phong Điền sẽ tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế trong xây dựng và phát triển huyện thành đô thị sinh thái, đảm bảo “vành đai xanh”, “lá phổi xanh” của thành phố.
 
Sở Xây dựng TP Cần Thơ cũng đang tập trung lập các quy hoạch phân khu đô thị 5 quận thành phố, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị cũng như phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Theo đó, từng bước rà soát và trình thành phố phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 của quận Cái Răng và quận Thốt Nốt; Quy hoạch phân khu quận Ninh Kiều và Bình Thủy; Quy hoạch phân khu quận Ô Môn.
 
Với vị trí nằm dọc theo sông Hậu và quốc lộ 91, hai quận Ô Môn và Thốt Nốt được thành phố định hướng phát triển đô thị - công nghiệp, trong đó có quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với các khu dân cư mật độ thấp kết hợp du lịch sinh thái… Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt Võ Văn Tân cho biết: “Quận cơ bản thống nhất phương án quy hoạch phát triển đô thị- công nghiệp, nhất là khu vực phía Bắc giáp tỉnh An Giang. Đây là vị trí thuận lợi, có cầu Vàm Cống vừa có thể phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị phù hợp. Cù lao Tân Lộc phát triển nông nghiệp đô thị - du lịch sinh thái. Địa phương cũng kiến nghị xem xét quy hoạch bắc cầu qua cù lao Tân Lộc để phát triển vùng này trong tương lai…”.
 
Đô thị khu vực trung tâm TP Cần Thơ ngày càng khang trang, sạch đẹp. 
 
Bài, ảnh: ANH KHOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội