Nhà máy xả gần 500 nghìn m3 nước cứu nông dân

Thứ bảy, 21 Tháng 3 2020 16:12 (GMT+7)
Hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở Long An. Để giảm thiệt hại mức thấp nhất cho hàng nghìn ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các huyện phối hợp nhân dân tổ chức đắp đập tạm tại các kênh thủy lợi nối các sông chính, tổ chức bơm nước chuyền qua nhiều cấp và vận động nhà máy nước sạch xả gần 500.000 m3 nước cứu lúa và vườn cây ăn trái.
Nhà máy xả gần 500 nghìn m3 nước cứu nông dân
Nhà máy nước sạch Nhị Thành xả gần 500.000 m3 nước thô ứng cứu sản xuất nông nghiệp.
 
Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An Vũ Anh Tuấn cho biết, từ giữa tháng 2 đến nay, Nhà máy nước Nhị Thành (Công ty CP Đầu tư Hạ tầng nước DNP - Long An) đã phối hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai công tác bơm nước cứu lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 cho hai huyện Thủ Thừa và Tân Trụ; đồng thời vận động các hộ dân tổ chức đắp đập tại các kênh, rạch bơm chuyền nhiều cấp, đưa nước vào đồng ruộng, giải cứu số diện tích sản xuất nông nghiệp đang có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước ngọt. Tính đến ngày 20-3, Nhà máy nước Nhị Thành đã xả được hơn 500.000 m3 nước thô, ứng cứu các hoạt động sản xuất nông nghiệp cho tỉnh.
 
Với tổng khối lượng nước xả lên đến gần 500.000m3 nước thô bơm từ kênh Rạch Chanh đã phần nào hỗ trợ, xử lý được vấn đề thiếu nước nghiêm trọng cho hàng nghìn ha lúa và vườn cây ăn trái.
 
Gắn bó với cây lúa đã hàng chục năm, thuộc nằm lòng quy luật của thiên nhiên, nhưng trước đợt hạn mặn năm 2020 ông Lê Quang Yến, ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cũng đành bất lực nhìn trà lúa héo khô từng ngày. Ông Yến chia sẻ, nguồn nước bơm chuyền từ kênh rạch vào nội đồng của Nhà máy nước Nhị Thành đã cứu gia đình ông khỏi nguy cơ mất trắng hơn 7.000 m2 lúa đang chuẩn bị thu hoạch. Nếu không có nguồn nước ứng cứu kịp thời thì toàn bộ các hộ trong khu vực này đã trắng tay vì lúa và cây ăn trái chết héo trong đợt hạn, mặn khủng khiếp này.
 
Gia đình ông Nguyễn Phú Cường, ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh (huyện Thủ Thừa) cũng cứu được 2.500 m2 diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch nhờ được cung cấp nước kịp thời. Ông hy vọng, UBND Tỉnh Long An và các huyện trên địa bàn sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp các trạm bơm, tuyến ống, bảo đảm lượng nước ngọt cấp thường xuyên cho địa bàn ứng phó với các mùa hạn, mặn sắp tới.
 
Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An Vũ Anh Tuấn cho biết, để tiếp tục giúp người dân có nước ngọt phục vụ sản xuất, từ nay đến cuối tháng 3, Nhà máy nước Nhị Thành tiếp tục bơm chuyền thêm khoảng 300.000 m3 nước, hỗ trợ bà con huyện Tân Trụ và phía nam huyện Thủ Thừa (Long An) cứu lúa và cây ăn trái. Nếu trong tháng 4, hệ thống thủy lợi vẫn chưa lấy được nước ngọt phục vụ sản xuất thì Nhà máy nước Nhị Thành luôn sẵn sàng phối hợp cùng UBND tỉnh Long An tiếp tục bơm xả nước hỗ trợ bà con đến khi có nước ngọt thì ngưng.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, xâm nhập mặn có khả năng diễn biến gay gắt trên khu vực sông Vàm Cỏ, cao điềm nhất vào các tháng 4-2020, tăng dần và kết thúc vào cuối tháng 5-2020. Hiện tại, trên sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông ranh giới mặn 4g/lít đã xâm nhập sâu gần 100 km, cao hơn trung bình nhiều năm 40 km và đã cao hơn năm 2016. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hạn, mặn đang làm cho khoảng 1.000 ha lúa đông xuân ở huyện Tân Trụ thiệt hại 70 - 100%, khoảng 10 nghìn hộ dân ở các huyện Cần Giuộc, Tân Trụ, Cần Đước thiếu nước ngọt sinh hoạt, làm hơn 200 m bờ bao, giao thông nông thôn ven sông sạt lở nghiêm trọng.
 
Để ứng phó với tình trạng trên, UBND tỉnh Long An đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn thuộc cấp độ 2. Các hoạt động, biện pháp công trình và phi công trình để thực hiện ứng phó, khắc phục trong thời gian diễn ra thiên tai xâm nhập mặn được thực hiện theo tình huống khẩn cấp.
 
UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra tại các địa phương.
Long An hiện có khoảng 1.000 ha lúa đông xuân ở huyện Tân Trụ bị thiệt hại 70 - 100% do ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn.
 
THANH PHONG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội