Cuộc sống đầy rẫy khó khăn, ngư dân sinh sống nơi xứ biển cũng không ngoại lệ. Được làm chủ trên những chiếc tàu vừa lớn vừa “chuyên”, ngư dân nào cũng mong muốn nhưng không phải ai cũng có điều kiện, phần đông vẫn là bám biển ven bờ mà sống. Cuộc sống vẫn hoài 2 chữ bấp bênh.
Và rồi, trên hành trình tìm kiếm cái nghề để không xa biển mà ổn định hơn, họ lại biết đến nghề câu kiều - cái nghề lạ mà cực hay. Và cũng từ nghề này, vùng đất Lung Tràm - quê hương của Nghệ nhân dân gian bác Ba Phi nổi tiếng khắp miền Tây Nam Bộ, hôm nay càng làm cho mọi người thêm tự hào hơn.
Nói về nghề câu kiều ở quê hương mình, Trưởng ấp Lung Tràm Nguyễn Nghĩa Mai cứ tâm đắc mãi: “Nhờ sự sáng tạo của bà con mà cuộc sống của họ vươn lên, quê hương cũng đổi thay nhiều”. Như một lẽ hiển nhiên, cái gì hiệu quả, thiết thực thì không cần tuyên truyền, vận động mà tự khắc người dân sẽ nhân rộng, làm theo.
Câu chuyện lan toả nghề câu kiều ở Kinh Tư cũng vậy. Từ một vài hộ đơn lẻ ban đầu tự học hỏi, tìm tòi với hy vọng tìm được hướng đi mới cho nghề biển gần bờ thì đến nay riêng ở Kinh Tư đã có 60 hộ làm nghề.
Hộ có phương tiện thì ra khơi đánh bắt, còn hộ không có phương tiện thì gắp câu thuê cũng có được đồng ra đồng vô.
Nhiệt tình chở khách quen, khách lạ muốn tìm hiểu nghề câu kiều của ngư dân quê nhà, chiếc xuồng gắn máy hiệu Honda của ông Diệp Quảng Hải băng băng lướt sóng, tiến về cửa biển. Cách bờ vài hải lý, ông Hải cho xuồng chạy chầm chậm, thăm giàn câu. Thật ngộ, vài con cá quác lớn đang mắc câu mà lưỡi câu trống hoác, lâu lâu lại có vài con mực nang, con ghẹ cũng đang mắc câu.
Nhìn đứa cháu lạ đang tò mò, ông Hải phân trần: “Nghề câu kiều này hay là chỗ đó. Lưỡi câu không cần mồi mà vẫn dính cá. Chủ yếu là dính các loại da trơn cỡ lớn, từ 1 kg trở lên. Như 2 con cá quác này, con gần 2 kg, con trên 3 kg. Cá đi theo luồng nước biển chạm phải lưỡi câu sắc nhọn là dính. Mỗi gắp câu dao động 160 lưỡi câu, dài 22-24 m. Khi giăng câu trên biển, mỗi gắp câu được kết nối lại với nhau và đánh dấu bằng cục gạch, giàn câu cách đáy tầm 1 gang tay”.
Anh Võ Văn Nam (ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) giũa lưỡi câu cho bén để chuyến ra khơi trúng cá.
Sinh sống ở vùng đất Lung Tràm, cũng như cha, ông mình, ngoài mảnh vườn thửa ruộng, từ khi còn là chàng thanh niên lực lưỡng, ông Hải đã biết thế nào là sóng, gió nơi biển cả. Nghề lưới cá, lưới tôm ven bờ của ông tuy đem lại chút thu nhập nhưng bữa có bữa không, lại còn phải chịu đủ thứ chi phí, riêng tiền thuê bạn cũng đã ngốn không ít đồng tiền kiếm được sau mỗi chuyến ra khơi. Những buổi chủ trắng tay, bạn ngậm ngùi ra về không phải ít.
Thấy bà con ở xã Tân Hải, huyện Phú Tân có nghề câu kiều ven bờ nghe hay hay, ông Hải rủ rê vài người bạn chí cốt lặn lội tìm đến nơi để học. Thấy nghề dễ làm, vốn cũng phù hợp, về xứ ông Hải quyết định chuyển sang làm nghề câu kiều, rồi gắn bó đến nay được 6 năm tròn.
Theo lời tâm tình của ông Hải, cái nghề nhìn đơn sơ vậy chớ được lắm. Nghề có thể làm quanh năm. Thu nhập đều đều, trúng thì bạc triệu, bình bình cũng được vài trăm ngàn. Như bữa đánh bắt đêm qua, chục ký cá quác bỏ túi 500.000 gọn hơ. Mà ở vùng nông thôn, hàng ngày thu nhập nhiêu đó là ổn lắm rồi.
“Cũng nhờ thu nhập ổn định từ nghề này mà 2 đứa con tôi đều được cắp sách đến trường đàng hoàng. Hy vọng con đường học hành, nghề nghiệp sau này của các con sẽ tốt đẹp hơn cha mẹ nó”, ông Hải bộc bạch.
Là bạn tâm giao của ông Hải, cũng là một trong những người đầu tiên đưa nghề câu kiều về cửa biển vàm Kinh Tư này, ông Võ Văn Đạo cho biết: “Nghề câu kiều tính ra nhẹ nhàng. Mỗi ngày mình chỉ dành vài tiếng đồng hồ để gỡ câu, mài lưỡi. Chỉ cực là thức khuya. Còn tiền kiếm được ổn định, cao hơn so với các nghề khai thác gần bờ khác. Bình quân mỗi tháng không dưới 10 triệu đồng”.
Không gắn liền với biển từ thời trai trẻ, nhưng để chăm lo cuộc sống, gia đình ông Đạo cũng từng bươn chải đủ thứ nghề. Thấy nghề câu kiều xứ người bà con sống được, ông Hải gom góp vốn đầu tư phương tiện ra khơi. Năm đầu tiên làm ăn trúng đậm, tháng chục triệu, có khi vài chục triệu là chuyện bình thường. Ông Đạo tích luỹ dần, mua thêm phương tiện để 2 cha con cùng làm. Có khi đánh bắt ở cửa biển quê nhà, có khi đi đến tận cửa biển ở Bạc Liêu.
Ông Đạo cho biết: “2 đứa em tôi cũng theo nghề này. Hổm rày 1 đứa đang đánh bắt ở cửa biển ở Bạc Liêu. Nghe thông tin điện về cho hay, đánh bắt có 4 ngày đêm thôi mà trừ chi phí lời 20 triệu đồng rồi đó. Đánh bắt ở cửa biển ngoài địa phương thường trúng thấy ham nhưng đi xa, cực lắm. Như tụi nó đi tới tháng 7, tháng 8 âm lịch mới về. Thằng con tôi cũng đang chuẩn bị đi đánh bắt ở Bạc Liêu”.
Anh Võ Văn Nam (con ông Đạo) cho biết thêm: “Từ hồi chuyển sang làm nghề câu kiều, cuộc sống gia đình thoải mái hơn trước. Bữa đánh bắt được 1-2 chục ký cá, được vài trăm ngàn đồng, cũng có khi trúng thì thu nhập cao hơn. Như hồi trước Tết, có đêm được 70 kg cá. Hiện tại, gia đình có 2 phương tiện làm nghề, với 150 gắp câu/phương tiện ra khơi. Gió nam thì đánh bắt ở Bạc Liêu, còn gió chướng thì đánh bắt ở đây là chủ yếu”.
Để có được đồng tiền chân chính không dễ dàng, đặc biệt là nghề biển thì cực gấp bội phần. Và nghề câu kiều cũng vậy. Cạnh niềm vui thu nhập khá, cuộc sống phất lên vẫn là những lo âu, trăn trở của ngư dân.
Ông Hải tâm sự: “Bức xúc nhất là chuyện trộm cắp ngư cụ. Còn nhớ, năm đầu tiên mới làm tôi bị mất cả trăm gắp câu, đứt số vốn mười mấy triệu đâu phải ít. Lúc đó cũng chán lắm, nhưng bạn bè động viên nên gắng làm, đeo luôn tới giờ”.
Tiếp thêm câu chuyện, ông Đạo chia sẻ: “Trước mất trộm giàn câu xảy ra thường, bà con lo lắm. Vài năm gần đây hơi đỡ. Những lúc trộm hoành hành là thức canh trắng đêm ngoài biển, khỏi ngủ luôn. Còn bình thường cũng khoẻ, gió mát lồng lộng, ngủ ngon một giấc, sáng thăm câu, đem cá vô bờ bán cầm tiền, khoẻ re”.
Một thông tin vui với bà con câu kiều nơi đây, theo lời anh Mai là chính quyền địa phương đang đề xuất với xã, vận động bà con tiến tới thành lập hợp tác xã câu kiều. “Mục tiêu là giúp bà con liên kết làm nghề, hướng đến không chỉ tạo điều kiện để bà con tiếp cận vốn mà còn mở ra việc có thêm việc làm từ việc làm gắp câu tiêu thụ ở các thị trường khác”, anh Mai cho biết.
Thế mới thấy, với nông dân là vậy, họ không ngừng chuyển động, từng bước xây đời tươi sáng hơn.
Hoàng hôn buông xuống, tạm chia tay ngư dân chân tình, mộc mạc, hy vọng rằng, ngày nào đó quay lại nơi này sẽ viết thêm câu chuyện mới về ngư dân xứ biển./.
NGỌC MINH - (tintucmientay.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)