Cộng đồng Hồi giáo (Islam) ở An Giang tạm dừng đến thánh đường
An Giang hiện có 14.358 người Chăm, chiếm 0,66% dân số toàn tỉnh, tập trung ở 8 làng, sinh hoạt tôn giáo ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường tại 5 huyện, thị. Nhiều nhất tại huyện An Phú có 5 làng Chăm với 9.309 người, chiếm 5,17% dân số toàn huyện.
Để nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh huyện An Phú tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Chăm nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh và cách phòng, chống theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng dân cư; không tuyên truyền các thông tin không đúng về dịch bệnh; không hoang mang, không hoảng loạn, chủ động. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan y tế tại địa phương, kịp thời thông tin các trường hợp nghi bị nhiễm bệnh để có phương án cách ly, theo dõi điều trị, không để lan rộng.
Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang hướng dẫn các vị giáo cả việc phòng, chống dịch COVID-19 và tuyên truyền cho các tín đồ thực hiện giữ vệ sinh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, hạn chế đến chỗ đông người.
"Ban quản trị các thánh đường, chức sắc, chức việc trong tỉnh, tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người tại các thánh đường, tiểu thánh đường để đảm bảo sức khỏe cho các tín đồ, cho cộng đồng xã hội.
Giải thích rõ cho tín đồ lý do tạm dừng hoặc hạn chế sinh hoạt, hoạt động tôn giáo và hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo tại gia đình. Thay vì đến thánh đường, các tín đồ sẽ ngồi hướng mặt về thánh địa Mecca để hành lễ", Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang.
Phụ nữ Chăm tổ chức may khẩu trang tặng người trong khu cách ly
An Giang có 31 người Chăm đến Malaysia dự thánh lễ Istymah tại thánh đường Seri Petaling, Kuala Lumpur, Malaysia về Việt Nam, có người đi cùng chuyến bay với người nhiễm Covid-19 thứ 61. Bên cạnh đó, nhiều đồng bào Chăm đang làm ăn sinh sống ở các nước nằm trong vùng có dịch.
Ban quản trị các thánh đường, các chức sắc, chức việc phối hợp cùng với địa phương vận động bà con đi Malaysia, Camphuchia và các nước về tự giác khai báo sớm nhất, khai báo y tế một cách trung thực. Các tín đồ tự giác phòng ngừa để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện An Phú thành lập 8 điểm cách ly với 1.155 chỗ. Tiếp nhận cách ly 1.344 người người trở về từ vùng có dịch (trong đó có 709 người Chăm, 6 người dân tộc Khmer). Chuyển đi đến các khu cách ly tập trung trong tỉnh là 884 người, còn lại đang cách ly tập trung tại huyện 460 người (dân tộc Chăm 365 người, Kinh 95 người). Hiện tại mỗi ngày huyện phải tiếp nhân them khoảng 100 người.
Để bà con người Chăm an tâm cách ly, Ban chỉ đạo huyện tổ chức các điểm nấu ăn riêng cho người Chăm. Mỗi điểm có mời người Chăm đến tư vấn hỗ trợ kỹ thuật nên hầu hết bà con người Chăm ăn uống đầy đủ, ngon miệng.
Ban chỉ đạo cũng mời người có uy tín trong cộng đồng đến các điểm cách ly để giải thích, động viên bà con an tâm nghỉ ngơi và thực hiện tốt nội quy khu cách ly, đồng thời hướng dẫn cách hành lễ tại nơi ở tạm thời. Đến nay, đồng bào Chăm đang ở trong khu cách ly tập trung khá hài lòng.
“Ngày 18/3 em nhập cảnh từ Camphuchia vào Việt Nam qua cửa khẩu Khánh Bình được Cán bộ cửa khẩu kiểm tra sức khỏe, cho khai báo y tế và đưa về khu tập trung tại Trung Tâm Dạy nghề Giáo dục thường xuyên huyện. Đến ngày 22/3/2020 được đưa về Khu cách ly Đại đội Bộ binh 5 đóng tại xã Phước Hưng huyện An Phú. Ở đây có 04 phụ nữ Chăm đang mang thai, riêng em đã mang thai được 9 tháng.
Trong quá trình cách ly được cán bộ chăm sóc sức khỏe tận tình, chu đáo, đo thân nhiệt trong ngày 02 lần và thông báo tình hình sức khỏe hằng ngày cho bà con nghe kịp thời, được các Bác sĩ huyện đến khám thai. Ăn uống bảo đảm hợp vệ sinh và thường xuyên thay đổi món ăn được ngon miệng.
Chỗ ở sạch sẽ, nơi sinh hoạt thoáng mát, qua những ngày cách ly ở đây cũng là điều kiện tốt cho chúng em đặc biệt là người dân tộc Chăm ở huyện An Phú và huyện Châu Thành. Nhìn chung bà con đồng bào Chăm của chúng em rất vui và được cách ly ở đây cũng rất thoải mái, mọi thứ đều tốt. Cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm và tạo điều kiện cho bà con của chúng em đầy đủ”, Chị Sây Nấp ngụ xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết
Ban Quản trị các thánh đường Hồi giáo trong huyện phối hợp rất tốt với chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều tổ phụ nữ Chăm tổ chức may khẩu trang, vận động các nhu yếu phẩm để tặng bà con dân tộc trong các khu cách ly, hỗ trợ chăm sóc những con em ở nhà của người đang cách ly. Nhờ vậy mà công tác tổ chức cách ly tập trung rất thuận lợi.
Tuy nhiên, do là huyện biên giới nên việc tổ chức cách ly tập trung cho hàng ngàn người phát sinh nhiều vấn đề như thiếu các thiết bị bảo hộ là rất nan giải, để bảo vệ lực lượng tham gia phòng chống dịch, nhất là những người đang làm việc tại các khu cách ly, huyện An Phú đang rất cần có thêm khẩu trang y tế, găng tay và đồ bảo hộ để anh em được an toàn và an tâm làm nhiệm vụ.
ĐOÀN BÌNH LÂM link - (vtc.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)