Thực hư thông tin vận động "góp tiền trồng rừng" ở Cà Mau

Thứ bảy, 28 Tháng 3 2020 22:01 (GMT+7)
Thông tin từ văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có công văn chỉ đạo “hỏa tốc” về việc xác minh thông tin một trang web tự ý vận động trồng rừng tại vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
 
Xác minh việc tự ý vận động trồng rừng trên trang web
Theo nội dung công văn, trung tuần tháng Ba, trên mạng xã hội có thông tin kêu gọi “Góp 1 cây với 15.000 đồng chống xâm nhập mặn tại Cà Mau” và có đăng tải bài viết tại website:http://gaiavn.org/tin-tuc/tin- moi/trong-rung-ca-mau.html.
 
Thực hư thông tin vận động
Tỉnh Cà Mau không có chủ trương vận động trồng Mắm như thông tin trang web đăng tải. (Ảnh: Một góc vườn Quốc gia Mũi Cà Mau).
 
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh nội dung thông tin nêu trên; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định (nếu có). Báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 19/3/2020.
 
Cụ thể, nội dung bài viết nêu rõ: “Năm nay 2020, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL, đã đạt mức kỷ lục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong khu vực. Chỉ với 15.000 đồng, bạn sẽ trồng được 1 cây Mắm trắng tại vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, góp phần chống xâm nhập mặn, và cải thiện các giá trị kinh tế, sinh thái của rừng, tạo nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như: Rái cá, Mèo cá, Trăng gấm, Rùa răng, Bồ nông chân xám,... Hàng trăm ngàn quả Mắm rụng từ cây mẹ sẽ được giữ lại tại khu vực bãi bồi và chăm sóc để phát triển thành cây con, và thành rừng ngập mặn”.
 
Bài viết còn chia sẻ thêm: “Ngay khi bạn chuyển khoản ủng hộ trồng rừng, tên và lời nhắn của bạn sẽ xuất hiện trong khu rừng dưới đây. Sau đó, Gaia sẽ tiến hành trồng rừng Cà Mau vào tháng 8/2020. Bạn sẽ nhận tin tức về khu rừng trong 4 năm liên tiếp. Có hai cách ủng hộ gồm chuyển khoản vào ngân hàng VCB, tên tài khoản của trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, số tài khoản 0181003514159 và qua ví momo bằng cách quét mã QR trên ảnh bằng cam- era để ghi nội dung R6 – Tên bạn – Lời nhắn trên khu rừng (không quá 20 ký tự)”.
 
Cũng theo nội dung thông tin của trang website nói trên, chương trình trồng rừng Cà Mau này nhằm chống xâm nhập mặn, tăng khả năng chắn sóng bảo vệ đới bờ, tăng diện tích rừng ngập mặn và cải thiện các giá trị kinh tế, sinh thái của rừng như: Nơi nuôi dưỡng ấu trùng thủy hải sản, tăng hấp thu CO2 giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, tạo môi trường sống cho nhiều loài quý hiếm, phát huy các giá trị giáo dục, nghỉ dưỡng và khoa học của khu rừng. Ngoài ra, hoạt động trồng rừng tại vườn Quốc gia Mũi Cà Mau còn giúp biến các khu vực bãi bồi rộng lớn thành rừng ngập mặn và dần dần sẽ trở thành đất liền, giúp đẩy lùi nước mặn ra biển.
 
Mục tiêu trồng cây là 100.000 cây, trên diện tích 50ha bãi bồi. Hạn ủng hộ 15/6/2020, hoặc khi đã nhận đủ số cây. Hiện tại, tổng số cây đơn vị đã vận động được 28.912 cây. Loài cây sẽ trồng là cây Mắm trắng (Avicennia alba). Đây là cây tiên phong của các khu rừng ngập mặn - cây mọc đầu tiên ngoài biển, tiếp theo mới là Đước, Sú, Vẹt,...
 
Trung tâm Gaia nhận sơ suất
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, vào ngày 19/2, đơn vị có tiếp nhóm công tác của trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia do bà Đỗ Thị Thanh Huyền (Giám đốc điều hành trung tâm) và bà Phan Thị Thùy Dung (cán bộ truyền thông Giáo dục Môi trường). Tại buổi gặp gỡ, vườn Quốc gia Mũi Cà Mau bố trí thành phần làm việc với nhóm công tác gồm: Ông Lê Văn Dũng (Giám đốc); ông Lý Minh Kha (Phó Giám đốc); ông Nguyễn Văn Sự (Trưởng phòng Khoa học và Bảo tồn) và ông Hàn Thanh Phong (chuyên viên phòng Quản lý, bảo vệ rừng).

 

Thực hư thông tin vận động
Văn phòng làm việc của trung tâm Gaia tại TP.HCM.

 

Theo giới thiệu của bà Đỗ Thị Thanh Huyền, trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia có quyết định thành lập vào ngày 24/8/2016 bởi Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Giấy phép hoạt động khoa học của Gaia được bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường Việt Nam cấp vào ngày 31/8/2016. Mục đích chuyến công tác của Trung tâm là tìm hiểu về vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tiềm năng, thế mạnh, những thuận lợi, khó khăn trong quản lý, bảo vệ phát triển rừng để có thể có những ý tưởng đề xuất hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường.
 
Theo ông Dũng, tại buổi làm việc trên, đại diện vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cũng thông tin rõ với Trung tâm việc tác động lên lâm phần rừng đặc dụng phải tuân thủ nghiêm luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan. Theo nguyên tắc chung là tránh tối đa các tác động trên lâm phần, trong đó bao gồm cả hoạt động trồng rừng (chủ yếu chỉ bảo vệ theo diễn thế tự nhiên). Hiện nay, trên lâm phần vườn đang triển khai dự án trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng ven sông, ven biển do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Hoạt động khoanh nuôi tái sinh đối với những vị trí thật sự cần thiết và phải được các cơ quan chuyên môn thẩm định, cơ quan thẩm quyền phê duyệt phương án, dự án mới được tổ chức thực hiện theo quy định.
 
Sau khi nghe đại diện trung tâm Gaia nói về thế mạnh và kinh nghiệm Gaia trong lĩnh vực truyền thông và Giáo dục môi trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và có ý muốn tìm hiểu về các dự án, chương trình phát triển rừng hiện tại, những vấn đề mà Gaia có thể tham gia hỗ trợ theo thế mạnh của trung tâm, đại diện vườn cũng đã thông tin nhanh việc đơn vị đang phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau xây dựng kế hoạch thực hiện phương án trồng rừng thí điểm tại Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (với loại cây trồng là Mắm trắng theo mô hình có kè chắn sóng và không kè chắn sóng tạo bãi). Hàng năm, vườn cũng có thực hiện mô hình khoanh nuôi tái sinh theo kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đã được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Cả hai loại hình phát triển rừng này hiện đang được Nhà nước đầu tư thực hiện.
 
Qua tìm hiểu, đại diện trung tâm Gaia cho rằng, vườn có tiềm năng rất quan trọng và quý giá về môi trường và nghiên cứu khoa học, giáo dục và sẽ tích cực hỗ trợ vườn, nhất là chia sẻ thông tin về mô hình, phương pháp thực hành quản lý trong phát triển rừng, cũng như công tác truyền thông, giáo dục, kêu gọi cộng đồng chung tay trong bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường. Đại diện vườn Quốc gia Mũi Cà Mau một lần nữa nhắc lại rằng mọi hoạt động tác động trên lâm phần đều phải có phương án cụ thể được cơ quan thẩm quyền phê duyệt mới có thể tiến hành thực hiện.
 
Ông Dũng cũng cho biết thêm, cuộc làm việc ngày 19/2 giữa đại diện trung tâm và lãnh đạo vườn chỉ dừng ở mức độ trao đổi thông tin, chưa ký kết bất kỳ văn bản hoặc thoả thuận nào giữa hai bên. “Thế nhưng, ngày 15/3, vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đọc được trên trang chủ của trung tâm Gaia ở mục sự kiện sắp tới có đề cập đến việc trồng rừng và thống kê việc huy động tiền hỗ trợ trồng rừng trong đó có đề cập về địa điểm trồng là vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Vườn rất bất ngờ vì sau buổi làm việc ngày 19/2 đến nay trung tâm Gaia chưa có văn bản đề xuất phối hợp thực hiện dự án, phương án trồng rừng nào để vườn có cơ sở trình cấp thẩm quyền về chủ trương, phương án thực hiện,...”, ông Dũng chia sẻ.
 
Việt Tâm link - (doisongphaluat.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội