Tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 30/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đây là thời điểm có tính chất quyết định đến cục diện chống Covid-19 và yêu cầu hệ thống chính trị phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuaân Phúc phát biểu tại cuộc họp
Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh
Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng thì bệnh Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý công bố dịch trên phạm vi toàn quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện mức độ nghiêm trọng, khả năng lây truyền nhanh và phát tán nhanh trong cộng đồng của dịch bệnh Covid-19, đồng thời qua đây cũng thể hiện sự cương quyết của các cấp, các ngành, các địa phương dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách.
Trước đó, khi có 6 bệnh nhân được xác định mắc Covid-19 vào ngày 1/2/2020, Thủ tướng đã ký quyết định công bố dịch. Vậy công bố dịch trên toàn quốc khác gì so với lần công bố của Thủ tướng vào ngày 1/2/2020?
Trả lời câu hỏi này, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch được thực hiện theo quy định của Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 28/1/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Trên cơ sở đó và thực tế các trường hợp mắc Covid-19 ở Thanh Hóa, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 173/QĐ-TTg công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.
Quyết định công bố dịch do virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ và các bộ ngành chuẩn bị sẵn sàng cho việc công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh trong trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhưng cho đến nay (31/3) địa điểm và quy mô xảy ra dịch đã lan rộng đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, không chỉ dừng lại ở 3 tỉnh như tại thời điểm ngày 1/2, do đó Thủ tướng đã đồng ý công bố dịch trên phạm vi toàn quốc. Có nghĩa là mở rộng địa điểm và quy mô xảy ra dịch.
“Điều này cũng có nghĩa là các biện pháp phòng chống dịch sẽ được mở rộng ở toàn bộ các tỉnh thành trong cả nước, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu...”- luật sư Nguyễn Hồng Bách phân tích.
Cùng chung quan điểm, luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty luật Hừng Đông cho rằng, việc người đứng đầu Chính phủ công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc là tiền đề cho việc ban bố tình trạng khẩn cấp nếu cần thiết.
Theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp, thể hiện dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
“Từ việc công bố dịch sẽ mở ra hành lang pháp lý để thực hiện các biện pháp chống dịch được hiệu quả hơn như chi tiêu ngân sách, mua sắm thiết bị y tế, hoặc có những hành động quyết liệt hơn như cách ly xã hội, phong tỏa thành phố hay nhiều việc khác tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh” – luật sư Nguyễn Danh Huế nêu quan điểm.
Người dân làm gì và không làm gì khi công bố dịch?
Cùng bàn về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh nêu rõ, theo Chỉ thị mới nhất vừa được Thủ tướng ban hành ngày 31/3/2020 (Chỉ thị số 16/CT-TTg) về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Luật sư Giang Hồng Thanh.
Ngoài ra người dân cũng có nghĩa vụ tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
“Thủ tướng đã có quyết định công bố dịch trên toàn quốc. Vì vậy người dân cần phải tuân theo những yêu cầu của Thủ tướng nêu trong Chỉ thị ngày 31/3/2020. Trong trường hợp vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 hoặc xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự” – luật sư Giang Hồng Thanh nhấn mạnh./.
Giải thích rõ hơn các yêu cầu trong Chỉ thị số 16 ngày 31/3 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Thủ tướng ban hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ, khẳng định yêu cầu cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước như một số quốc gia đã làm.
Theo đó, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các yêu cầu, chỉ đạo sẽ ở cấp cao hơn. Nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến xấu, lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng thì phải có sắc lệnh cao hơn và nghiêm ngặt hơn nữa. Nhưng muốn thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, phải chuẩn bị và “đi từng bước”.
“Đây là những dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm. Chính phủ luôn chuẩn bị sẵn mọi phương án. Nếu thấy tình hình bùng phát sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền, báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, ông Mai Tiến Dũng giải thích./.
Kim Anh - (vov.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)