Tranh thủ số vé ngày cuối
Những ngày này ở TP.HCM, đường phố thưa thớt bóng người, hàng quán đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Nhưng đâu đó vẫn còn một số người cố gắng bám trụ để kiếm ít đồng tiền trang trải.
17h ngày 31/3, thời khắc vé số dừng bán để phòng, chống dịch bệnh, họ lầm lũi trở về căn nhà nhỏ trong một con hẻm ở đường Trần Đình Xu (phường Cầu Kho, Quận 1). Nơi đó, 26 con người sống chung với nhau gần 20 năm nay và được nhiều người ưu ái đặt cho cái tên “Ngôi nhà xe lăn”.
Gọi đó là “ngôi nhà xe lăn” vì 26 người ở đây đều là người khuyết tật, phải ngồi xe lăn, hàng ngày đi khắp ngõ ngách để bán vé số mưu sinh. Nhưng nay ngôi nhà ấy vắng hẳn tiếng trò chuyện, cười đùa vì đến hơn một nửa người sống ở đây đã về quê từ trước.
Ông Trần Kim Phước (49 tuổi, ngụ Hoài Nhơn, Bình Định) kể, từ ngày nghe tin vé số dừng bán, vợ chồng ông hoang mang, lo lắng không yên. Không lo sao được khi cuộc sống của gia đình ông phụ thuộc hết vào tờ vé số.
“Bình thường 4h - 5h chúng tôi đi bán rồi. Cuộc sống của mình phụ thuộc vào những tờ vé số, giờ thất nghiệp vì chẳng biết làm gì, vì giờ có buôn bán được gì nữa đâu. Chúng tôi cũng nghèo, không được học hành tử tế nên có biết làm gì đâu”, ông Phước tâm sự.
Những người bán vé số tranh thủ bán nốt ngày cuối trước khi các công ty xổ số tạm dừng hoạt động.
Ngồi cạnh chồng, nén tiếng thờ dài, bà Phạm Thị Dung (48 tuổi, quê Quy Nhơn, Bình Định) lặng lẽ đưa mắt về xa. Có lẽ, 15 ngày sắp tới với gia đình bà sẽ là quãng thời gian khó khăn nhất.
“Tạm thời chúng tôi cứ ở nhà đã vì Nhà nước cũng thông báo hạn chế ra ngoài rồi, nhưng đến lúc ăn hết gạo mua để dành cũng phải tìm đường để sống thôi”, người phụ nữ gần 20 năm đi bán vé số bộc bạch.
Ngồi một góc nhà, bà Chung (54 tuổi, quê Bình Định) cho biết, "ngôi nhà xe lăn” do bà đứng tên thuê và xây dựng từ 18 năm trước. Nơi đây chủ yếu là những người Bình Định xa quê, khuyết tật, đến nương tựa, gom góp với nhau mà sống.
Hơn 18 năm đồng hành, sản sẻ với nhau, chưa bao giờ bà Chung thấy ngôi nhà của mình vắng vẻ đến thế. Cách đây khoảng mấy ngày, nghe tin các công ty xổ số tạm ngừng hoạt động để chống dịch, những người ở đây lần lượt khăn gói về quê, còn 10 người ở lại bám trụ đến giờ phút cuối cùng.
“Ở lại cho đến giờ vé số cũng không còn số để bán. Chúng tôi cũng đang tính không biết làm gì đây vì về quê cũng không được, xe cộ đâu còn đi nữa”, bà Chung chia sẻ.
Theo bà Chung, dù sống cuộc đời khuyết tật nhưng những người ở đây đều có lòng tự trọng cao, tự lực cánh sinh nhiều năm nay. Họ luôn lao động chính đáng, không phụ thuộc vào ai để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Họ luôn tâm niệm tuy “tàn nhưng không phế”.
“Chúng tôi phải kiếm gì để sống chứ. Nhà nước còn phải chăm lo cho bao nhiêu người cách ly. Chúng tôi chỉ hy vọng cho dịch bệnh mau hết như Thủ tướng nói, qua hết 15 ngày vé số bán lại, được vậy thì mừng”, bà Chung chia sẻ.
Nói là nói vậy, nhưng trên khuôn mặt bà Chung vẫn hiện lên nét lo âu, buồn phiền. Vẫn biết là tình hình khó khăn chung, nhưng việc tìm một công việc mưu sinh tạm với người khuyết tật giai đoạn này lại khó khăn trăm bề.
Những người bán vé số đa số là người lao động nghèo, khuyết tật.
“Những người bình thường không làm được cái này thì làm được việc khác để mưu sinh, có thể làm ngắn nuôi dài. Nhưng những người khuyết tật như chúng tôi thì không biết làm gì. Chúng tôi chẳng ở hội nhóm nào, chỉ tự bấu víu, nương tựa lẫn nhau. Nếu chỉ ngừng 15 ngày gói ghém, ăn đói ăn no gì cũng được, nhưng nếu kéo dài thì không biết sao”, bà Chung bộc bạch.
Sau lời tâm sự của bà Chung là những tiếng thở dài, kèm theo đó là bao lo âu, xót xa của những người ở lại ngôi nhà này. Ngày mai, họ sẽ nghỉ ngơi. Nhưng sau ngày mai, họ vẫn chưa biết phải làm gì.
“Tôi đang tính thế này, trong thời gian Nhà nước tạm ngưng bán vé số, tôi vào Chợ Lớn mua khăn giấy, kẹo cao su, bánh kẹo rồi kiếm một chỗ nào đó ngồi bán, kiếm ít tiền mua mắm”, ông Hãng nói.
Giải pháp cho người bán vé số
Ông Phạm Anh Thắng - Trưởng Văn phòng đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP.HCM cho biết, những người bán vé số dạo chỉ mới là một bộ phận trong hàng chục triệu lao động “phi chính thức” ở Việt Nam.
Theo ông Thắng, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, họ bị mất việc, thu nhập không có, khó khăn sẽ chồng chất thêm khó khăn. Trong khi về nguyên tắc, họ sẽ không được hưởng gì từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do họ không tham gia vì nguyên tắc chi quỹ là đóng - hưởng.
“So với lao động chính thức thì lực lượng lao động phi chính thức dễ tổn thương hơn. Điển hình như hiện nay hàng trăm ngàn người bán vé số dạo phải ngừng bán, cuộc sống hằng ngày thôi đang là nỗi lo lớn nhất của họ khi họ đang sống đắp đổi qua ngày”, ông Thắng nhận định.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người vô gia cư bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, vừa qua Chính phủ dừng một số dịch vụ xổ số. Như vậy, một bộ phận người bán vé số sẽ gặp khó khăn vì không thể mưu sinh.
"Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị các cơ sở lưu trú, rà soát những người lang thang cơ nhỡ, vô gia cư tại thành phố để lập danh sách, lên phương án hỗ trợ những đối tượng này. Vì trước đến nay họ sống nhờ vào tiền hoa hồng bán vé số, thậm chí tiền đó họ còn gửi về nuôi gia đình. Bây giờ trong hoàn cảnh này họ sẽ rất khó khăn, chúng ta nên có sự chia sẻ đối với họ", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Ông Phong cũng giao Sở Y tế phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM rà soát chặt chẽ, tìm kiếm và đảm bảo sức khỏe cho người vô gia cư. Đồng thời, giao Sở Y tế xem xét có chuỗi nhiễm bệnh đang tiềm ẩn trong cộng đồng hay không.
Còn Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: "Tôi vừa nhận được một tin nhắn của một giảng viên gợi ý thành phố nên hỗ trợ người vô gia cư, nếu những người này không được chăm sóc sẽ dễ là nguồn lây nhiễm. Tôi vừa chuyển cho Chủ tịch thành phố tin nhắn này và chúng tôi sẽ bàn chuyện giúp người vô gia cư như thế nào. Đây là việc chưa từng có nhưng trong mùa dịch này cũng là chuyện nên bàn".
NHẬT LINH - MINH HUY - (vtc.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)