Hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hạn, mặn

Thứ năm, 02 Tháng 4 2020 08:20 (GMT+7)
Ngày 1-4, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ về việc hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
Hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hạn, mặn
Cán bộ khuyến nông xã Lang Quán (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) hướng dẫn người dân phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa. Ảnh: ĐOÀN THƯ
 
Theo đó, đề nghị UBND các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động trong triển khai các kế hoạch sản xuất, thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó ưu tiên cao nhất bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo việc nghiên cứu, sử dụng hiệu quả các tài liệu, kết quả của chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, số liệu quan trắc, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước đã được Bộ chuyển giao cho các địa phương để thực hiện những giải pháp phòng chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trước mắt cũng như lâu dài, nhất là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân những vùng đang thiếu nước nghiêm trọng. Góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ năm tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau, mỗi tỉnh 800 triệu đồng thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam…

* Tổng cục Thủy lợi cho biết, vụ hè thu và vụ mùa 2020 ở các tỉnh Trung Bộ sẽ có hàng chục nghìn héc-ta đất canh tác không đủ nước tưới. Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ khả năng có từ 13 nghìn đến 22 nghìn ha diện tích canh tác không đủ nguồn nước tưới, cần phải điều chỉnh giảm, giãn tiến độ gieo cấy hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chiếm khoảng từ 2,7 đến 4,6% diện tích gieo trồng hằng năm.

* Hiện nay, tổng dung tích các hồ thủy lợi trong khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến đạt từ 50 đến 70% dung tích thiết kế. Sau khi cung cấp nước cho vụ đông xuân, dung tích các hồ chứa còn lại phổ biến từ 40 đến 60% dung tích thiết kế. Riêng hồ thủy lợi Cửa Đạt mực nước chỉ còn 32% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ các năm từ 10 đến 50%.

* Hiện nay, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) ở mức rất thấp chỉ 20 m3/giây. Trong khi đó, Nhà máy phải xả nước từ 55 đến 65 m3/giây để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hạ du. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, việc cung cấp nước trong đợt cao điểm mùa khô để chống hạn năm 2020 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

* Ở tỉnh Quảng Ngãi, do không có mưa kéo dài cho nên nhiều nơi rơi vào tình cảnh thiếu nước. Tại huyện đảo Lý Sơn, vụ tỏi đông xuân 2019-2020, toàn huyện xuống giống hơn 330 ha nhưng thời gian qua không có mưa, nguồn nước cạn kiệt nên người dân phải tưới cầm chừng.

* Hiện nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Long An tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp nên địa phương đã triển khai lắp đặt 18 cống ngăn mặn cùng nhiều trạm bơm để cứu hơn 72.000 ha lúa, thanh long trên địa bàn.

* Theo Cục Bảo vệ thực vật, ở các tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ, các trà lúa đông xuân sớm đang trỗ và trà chính vụ sẽ trỗ vào đầu đến giữa tháng 4. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết bất thường tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông phát triển gây hại lúa. Đến nay, tại khu vực này đã có hơn 5.000 ha lúa bị nhiễm đạo ôn. Trước tình hình đó, Cục đã chỉ đạo Trung tâm bảo vệ thực vật khu 4 liên tục cử cán bộ xuống địa phương để phối hợp, hướng dẫn nhân dân phòng, chống bệnh đạo ôn lá và cổ bông.

* Tại tỉnh Quảng Bình có hơn 1.000 ha, tỉnh Quảng Trị có hơn 800 ha, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 700 ha lúa đông xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn. Tại tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 800 ha lúa đông xuân nhiễm bệnh đạo ôn lá, trong đó các huyện Cẩm Xuyên 620 ha, Hồng Lĩnh 63 ha, Đức Thọ 20 ha, Kỳ Anh 29 ha… Ngoài ra, bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên diện rộng với diện tích nhiễm hơn 2.000 ha. Các địa phương đang chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra và hướng dẫn nhân dân phun trừ bệnh đạo ôn lá trên các chân ruộng đang nhiễm bệnh, diện tích mới nhiễm bệnh để hạn chế bệnh gây hại nặng và lây lan.

* Tại huyện Tuy An (Phú Yên), nhiều diện tích lúa đông xuân đang bị các đối tượng gây hại như bệnh đốm sọc vi khuẩn với diện tích 32 ha, tỷ lệ hại từ 3 đến 5% lá. Ngoài ra, còn có 195 ha bị bệnh khô vằn, tỷ lệ hại từ 5 đến 8% dảnh; 25 ha bị bệnh thối thân, tỷ lệ hại từ 2 đến 4% dảnh.

* Vụ đông xuân 2019 - 2020, huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên gieo cấy hơn 4.000 ha lúa. Thời gian qua, thời tiết thất thường tạo điều kiện sâu, bệnh phát sinh và gây hại, trong đó bệnh đạo ôn lá với diện tích nhiễm hơn 1.305 ha. Dự báo trong thời gian tới, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại mạnh nên người dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, để phòng trừ kịp thời.

* Tại tỉnh Tuyên Quang, bệnh đạo ôn trên lúa đang phát sinh gây hại với hơn 46 ha, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 8 đến 10% số lá, nơi cao lên đến 20% số lá. Cơ quan chuyên môn đang hướng dẫn người dân khoanh vùng ngay diện tích mới xuất hiện bệnh để xử lý dứt điểm.

* Ở tỉnh Nam Định, trên lúa đông xuân, bệnh đạo ôn lá đang lây lan, phát triển mạnh, sâu cuốn lá, rầy lưng trắng gia tăng mật độ. Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương hướng dẫn biện pháp nhận biết và cách phòng trừ cho người dân, bảo đảm cho lúa sinh trưởng, phát triển.

* Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 2.700 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá vi-rút. Trong đó, huyện Sơn Hà có gần 2.100 ha bị nhiễm, huyện Nghĩa Hành, trong số gần 130 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, có 50 ha bị nặng và trung bình.
 
Nguồn: nhandan.com.vn
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội