''Ổ dịch'' Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai với 44.000 người liên quan được kiểm soát thế nào?

Thứ sáu, 03 Tháng 4 2020 13:20 (GMT+7)
Đã có hơn 44.000 người liên quan tới "ổ dịch" Bệnh viện Bạch Mai được cách ly, theo dõi sức khoẻ; 43 ca bệnh Covid-19 được phát hiện. Theo chuyên gia y tế, về cơ bản ổ dịch này đã được khống chế.
 
Tính từ ngày 19-3, khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên liên quan đến Bệnh viện (BV) Bạch Mai được xác định (bệnh nhân 86 là điều dưỡng của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai), đến sáng nay 3-4 đã có 43 ca mắc Covid-19 liên quan đến BV này. 4 điểm "nóng" được xác định có ca bệnh Covid-19 là Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Khoa Thần kinh và Công ty TNHH Trường Sinh - đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống tại BV Bạch Mai.
 
Các đối tượng nhiễm bệnh được xác định bao gồm: Nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên phục vụ và những ca mắc trong cộng đồng do từng tiếp xúc với ca bệnh. Riêng Công ty TNHH Trường Sinh, hiện đã có 27 nhân viên mắc Covid-19.
 
Trước đó, ngày 26-3, BV Bạch Mai đã lấy mẫu xét nghiệm hơn 7.264 người là cán bộ y tế, bệnh nhân, người nhà, người làm dịch vụ để sàng lọc virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Tất cả các nhân viên y tế đều có kết quả âm tính. Một số trường hợp được phát hiện dương tính là nhân viên của Công ty TNHH Trường Sinh và người nhà bệnh nhân.
 
Ổ dịch Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai với 44.000 người liên quan được kiểm soát thế nào? - Ảnh 1.
BV Bạch Mai thực hiện cách ly bệnh viện từ ngày 28-3 để xử lý "ổ dịch" Covid-19 - Ảnh: Văn Duẩn
 
Ngày 28-3, BV Bạch Mai đã cách ly bệnh viện "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để khoanh vùng dập dịch. Tại thời điểm đó, Bệnh viện có khoảng 800 bệnh nhân nặng không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, cần chạy thận, hơn 700 người nhà bệnh nhân, số còn lại là nhân viên y tế.
 
Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh điều tra, rà soát những người đã đến BV Bạch Mai trong khoảng thời gian từ 12-3 đến 28-3, riêng Hà Nội mở rộng từ ngày 10-3 đến 28-3.
 
Đến 12 giờ ngày 1-4, các địa phương về cơ bản đã hoàn thành rà soát, giám sát, quản lý sức khỏe với những người đã đến BV Bạch Mai trong khoảng thời gian nói trên. Tổng số đối tượng cần quản lý là 44.293 người. Cụ thể: 4.736 bệnh nhân nội trú, 1.272 bệnh nhân ngoại trú, 30.515 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.026 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 91 người làm cho công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan. Địa phương có số người đến BV Bạch Mai trong khoảng thời gian nói trên đông nhất là Hà Nội với 16.714 người.
 
Ổ dịch Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai với 44.000 người liên quan được kiểm soát thế nào? - Ảnh 2.
Những người có liên quan đến BV Bạch Mai được xét nghiệm nhanh tại các điểm lưu động ở Hà Nội - Ảnh: Ngô Nhung
 
Ngày 1-4, BV Bạch Mai đã tiến hành xét nghiệm lần 2 sàng lọc SARS-CoV-2 cho khoảng 2.500 nhân viên y tế.
 
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết "ổ dịch" Covid-19 tại BV Bạch Mai có số ca mắc lớn nhất cả nước nhưng đến thời điểm này cơ bản đã được khống chế. Ông dẫn chứng 3 lý do để khẳng định là:
 
Thứ nhất, BV Bạch Mai đã được khoanh vùng và triển khai các biện pháp can thiệp dập dịch như: Cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, những người phục vụ...; khử trùng bệnh viện.
 
Thứ hai, xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà, người cung cấp dịch vụ. Kết quả xét nghiệm lần đầu cho thấy toàn bộ nhân viên y tế đã âm tính với SARS-CoV-2. Một số đối tượng dương tính được xác định trong đó phần lớn là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh. Hiện BV Bạch Mai cũng đã quay lại lấy mẫu xét nghiệm lần 2 để khẳng định chắc chắn.
 
Thứ ba, các địa phương đã triển khai việc điều tra những người đi, đến BV Bạch Mai trong vòng 14 ngày (từ 12-3 đến 28-3). Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp trực tuyến với các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra yêu cầu các tỉnh tiến hành rà soát, cách ly, xét nghiệm những người đã đến BV Bạch Mai trong khoảng thời gian nói trên gồm: Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, học sinh sinh viên, người cung cấp dịch vụ. Hiện việc điều tra cơ bản đã hoàn thành. Các địa phương đang quản lý, theo dõi những đối tượng này.
 
Ổ dịch Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai với 44.000 người liên quan được kiểm soát thế nào? - Ảnh 3.
BV Bạch Mai hiện chưa xác định được ca bệnh đầu tiên (F0) - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
 
Về nguồn lây nhiễm Covid-19 tại BV Bạch Mai và xác định ca F0 (ca bệnh đầu tiên), PGS Phu cho biết: "Hiện chưa xác định rõ ràng, chắc chắn về nguồn bệnh này. Các chuyên gia về dịch tễ đang tiếp tục điều tra. Nhưng đến nay "ổ dịch" lớn nhất trong BV Bạch Mai là khu dịch vụ ăn uống do Công ty TNHH Trường Sinh đảm nhiệm".
 
Trong tổng số 43 ca bệnh Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, đã xác định 27 trường hợp là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh. Cũng tại BV này, một số ca bệnh đã được xác định lây lan trong cộng đồng. Điển hình là bệnh nhân 227, nam, 31 tuổi, là con của bệnh nhân 209, có tiếp xúc gần tại gia đình trong khoảng thời gian từ 16 đến 25-3. Bệnh nhân 209 từng có tiếp xúc gần với bệnh nhân 163, trong khi bệnh nhân 163 lại lây bệnh trong quá trình chăm sóc bệnh nhân 161 tại Khoa thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai).
 
Vì mất dấu bệnh nhân F0 nên nam bệnh nhân 227 có thể coi là ca bệnh F4 đầu tiên của Việt Nam mắc Covid-19. Hiện những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân 209 gồm chồng, một người con trai khác, mẹ đẻ và người giúp việc đang được cách ly theo dõi sức khoẻ.
 
Nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh được công bố khỏi bệnh
 
Trong số 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh chiều ngày 2-4 đã có trường hợp đầu tiên là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh được công bố chữa khỏi bệnh sau 4 ngày nhập viện. Đó là bệnh nhân 198 trú tại Ứng Hòa (Hà Nội), bệnh nhân là nhân viên tại căngtin BV Bạch Mai thuộc Công ty Trường Sinh. Bệnh nhân vào viện ngày 28-3, hiện sức khỏe ổn định, trải qua 2 lần xét nghiệm âm tính là ngày 28-3 và 31-3.
 
ra-vien-4-1585827256709158902586-15858272662391268539029-crop
Nhân viên đầu tiên của Công ty TNHH Trường Sinh được công bố khỏi bệnh - Ảnh: Bảo Lê
 
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết có những người sau 2 tuần điều trị mới âm tính nhưng cũng có trường hợp chỉ 3-5 ngày. Biến chuyển của virus SARS-CoV-2 rất khó lường, thời gian điều trị phần lớn phụ thuộc vào tình trạng cơ thể của bệnh nhân.
 
Tuy nhiên, cũng có những người dương tính yếu, sau một vài ngày lại dương tính mạnh nếu nồng độ virus đủ lớn. Thời điểm này, 80% bệnh nhân khi nhập viện không có biểu hiện lâm sàng nhưng đã có tổn thương phổi. Do đó, bên cạnh phác đồ của Bộ Y tế, bệnh viện cũng nghiên cứu thêm các phác đồ mới. Nếu có bệnh nhân có biểu hiện tổn thương phổi, sẽ điều trị kịp thời.
 
D.Thu - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội