Thất nghiệp gia tăng vì COVID-19

Thứ ba, 07 Tháng 4 2020 12:25 (GMT+7)
Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có trên 153.000 người mất việc làm và hàng triệu lao động bị ngừng việc.
 
Nhiều doanh nghiệp đang chờ gói hỗ trợ từ Chính phủ, ngân hàng để vượt qua khó khăn (Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Southvina, KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ).
 
Bộ KH&ĐT vừa báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội quý I và dự báo các tháng còn lại của năm 2020. Theo đó, tổng hợp báo cáo nhanh của các DN, có khoảng 10% DN phải cắt giảm quy mô sản xuất. Đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, số lượng DN phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số DN đang hoạt động. Một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm từ 70-80%.
 
Tính từ ngày 1-1-2020 đến 26-3-2020, cả nước đã có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống… Nếu dịch COVID-19 không có thay đổi lớn, ước tính quý II-2020 sẽ có trên 250.000 lao động trong DN bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II sẽ có 400.000 lao động trong DN bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.
 
Theo thống kê của ngành chức năng, trong quý I, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động cả nước ước tính là 48,9 triệu người (tăng 4.000 người so với cùng kỳ năm trước) với tỷ lệ thất nghiệp là hơn 2,2%.
 
Trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,73% (cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng trong độ tuổi lao động là 2,17%, trong đó khu vực thành thị là 3,11%; khu vực nông thôn là 1,67%).
 
Hiện nay, cả nước có khoảng 25 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó, 11 triệu lao động trong DN tham gia bảo hiểm xã hội, 10,4 triệu lao động trong DN tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 18 triệu lao động phi chính thức. Tác động của dịch COVID-19 làm hàng ngàn DN chao đảo, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và gánh nặng an sinh xã hội cũng lớn hơn.
 
Trong quý I, có gần 34.900 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Dịch COVID-19 nếu không được kiểm soát sớm, DN rời thị trường sẽ tiếp tục tăng và tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động. Đây là điều không ai mong muốn nhưng ứng phó với đại dịch và “để không ai bị bỏ lại phía sau” cần sự chung sức của các cấp, các ngành. Giải cứu DN cũng chính là giữ và tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp người lao động yếu thế vững chắc cuộc sống.
 
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Chỉ thị số 11 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các DN, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Ước tính tổng giá trị của các chính sách tiền tệ, tài chính khoảng 280.000 tỉ đồng, tương đương gần 12 tỉ USD.
 
Song song đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ để hoàn chỉnh đề xuất Gói an sinh xã hội 61.500 tỉ đồng để hỗ trợ là người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Gói an sinh xã hội có hơn một nữa từ nguồn ngân sách nhà nước. Thời gian triển khai trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 4-2020.
 
Hiện tại những DN đang hoạt động, nhất là những DN sử dụng nhiều lao động đang phải cắt giảm giờ làm, giãn việc cho công nhân vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động vừa đảm bảo không sa thải lao động.
 
Nhiều lao động cũng chấp nhận giảm lương, chia sẻ khó khăn với DN. Chị L.T.T.H đang làm tại một cho DN bất động sản (tỉnh Kiên Giang), cho biết: "Hiện tại tôi làm 13 ngày/tháng, phụ cấp bị cắt giảm. Nhưng khó khăn nên phải chấp nhận". Còn chị N.N.V đang công tác tại một trung tâm Anh ngữ trên địa bàn TP Cần Thơ cũng chung tình cảnh này, các khoản thu nhập tăng thêm, phụ cấp đều bị cắt giảm, chỉ còn lương cơ bản. Chị V hy vọng dịch qua mau để chị không bị giảm thu nhập. Không chỉ người lao động mà nhiều DN cho biết khó cầm cự lâu dài, nên rất cần các gói hỗ trợ triển khai nhanh hơn để kịp thời hỗ trợ DN và lao động.
 
Gia Bảo - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội