Khung định hướng phát triển giúp ĐBSCL thích ứng và đột phá

Thứ ba, 07 Tháng 4 2020 12:36 (GMT+7)
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hiện thực hóa Nghị quyết này. Và một trong số đó là tổ chức lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
 
 
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP Cần Thơ.
 
Theo ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL từ đó làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất. Mặt khác, Quy hoạch cũng có vai trò định hướng việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu.
 
Để có cơ sở lập và hoàn thiện Quy hoạch, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Tham vấn vùng để xây dựng kịch bản phát triển ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Hội thảo nhằm tham vấn, lấy ý kiến đóng góp các địa phương trong vùng về kịch bản phát triển theo quy hoạch/kế hoạch hiện tại, các định hướng phát triển vùng mà các bên liên quan mong muốn. Theo đó, đơn vị tư vấn (Công ty HaskoningDHV Nederland B.V và tổ chức GIZ) đưa ra 5 kịch bản phát triển ĐBSCL, gồm: 2 kịch bản phát triển không tác động (S1, S2) dựa trên các kịch bản hiện trạng đang diễn ra và 3 định hướng phát triển thay thế (DO3, DO4, DO5).
 
Trong đó, S1 bao gồm các dự án đã quy hoạch và cam kết thực hiện (đến năm 2025), có tác động đến toàn vùng; S2 bao gồm các dự án đã quy hoạch đến năm 2030 nhưng chưa được cấp vốn. Các định hướng phát triển thay thế DO3, DO4, DO5 được xây dựng theo hướng ưu tiên nguồn vốn đầu tư công vào 1 trong 3 trụ cột: Kinh tế, tài nguyên thiên nhiên/môi trường và phát triển xã hội. Trong đó, định hướng phát triển kinh tế sẽ tối đa hóa tăng trưởng GDP, chủ yếu dựa trên cơ cấu hoạt động kinh tế hiện tại nhưng phải đánh đổi vốn tự nhiên và gây ô nhiễm môi trường; định hướng phát triển môi trường sẽ tập trung bảo vệ và nâng cao nguồn tài nguyên thiên nhiên, chú trọng yếu tố “xanh” với giá trị gia tăng dựa trên nền tảng bền vững; định hướng phát triển con người nhằm tối đa hóa phát triển xã hội và phát triển kinh tế theo hướng công bằng, dài hạn bằng cách đầu tư vào nguồn nhân lực, các ngành công nghiệp, dịch vụ mới để hiện đại hóa cơ cấu kinh tế…
 
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thực hiện đánh giá các định hướng phát triển thông qua việc cho điểm từng tiêu chí; trình bày về quy trình đánh giá thông tin dự án để được xem xét đưa vào các dự án ưu tiên đầu tư… Nhiều ý kiến cho rằng, có sự mâu thuẫn trong kịch bản phát triển theo quy hoạch hiện tại đến năm 2030. Đơn cử như việc duy trì diện tích trồng lúa mâu thuẫn với việc mở rộng nông nghiệp giá trị cao (hoa quả, rau màu, nuôi trồng thủy sản…); việc đặt chỉ tiêu công nghiệp hóa quá cao không xét đến lợi thế so sánh của vùng; đề xuất mở rộng điện than mâu thuẫn với các mục tiêu về môi trường, khí hậu… Đây là những nút thắt cần phải được nhanh chóng tháo gỡ trong các kịch bản phát triển ĐBSCL trong thời gian tới.
 
Ngoài ra, để đánh giá ưu, nhược điểm của từng định hướng phát triển thay thế cần phát triển các mục tiêu tổng quát thành các mục tiêu cụ thể để hiểu rõ hơn các tác động tiềm tàng và sớm đề ra các giải pháp ứng phó kịp thời.
 
Ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, cho biết: Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2020. Vì vậy, việc điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng và các ý kiến đóng góp hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện Quy hoạch. Hiện nay, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL cũng đang thực hiện quy hoạch tỉnh.
 
Đây là điều kiện để các bên cùng phối hợp từ đó tạo ra sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Theo ông Tâm, trước mắt, trong tháng 6-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành và gửi Khung định hướng phát triển ĐBSCL cho các địa phương. Bộ khung này sẽ hỗ trợ tích cực cho các tỉnh trong việc đưa ra những lựa chọn, những tiêu chí để chọn các dự án ưu tiên đầu tư khẩn cấp, quan trọng tạo nên sự bứt phá cho vùng.
 
MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội