Gói hỗ trợ người dân: Không thể chậm trễ

Thứ năm, 09 Tháng 4 2020 07:00 (GMT+7)
Sáng 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay và có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân.
 
Chính sách cần sớm vào cuộc sống
 
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là những nội dung quan trọng, cấp bách cần được quyết định, triển khai kịp thời trong tình hình hiện nay. Ngay từ khi bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19, tư tưởng chỉ đạo và phương châm “chống dịch như chống giặc” đã được xác định và kiên quyết, kiên trì thực hiện xuyên suốt.
 
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc, đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt các biện pháp chống dịch mà Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề ra, với quyết tâm chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên toàn quốc, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân.
 
Gói hỗ trợ người dân: Không thể chậm trễ - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
 
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch cũng như quan tâm đến vấn đề ổn định sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân. Đặc biệt là việc đưa ra các chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn đã thể hiện rõ hơn nữa tinh thần “không ai bị bỏ ở lại phía sau”.
 
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, việc xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời, cho thấy sự nỗ lực cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân. Trước mắt đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết một số khó khăn, vất vả trong bối cảnh dịch bệnh, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước để cùng đồng lòng, kiên trì, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh; tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội.
 
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay và có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống; đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách hoặc thiếu sự minh bạch trong việc tổ chức thực hiện.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong rằng, các chính sách này ra đời sẽ tiếp nối, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng xã hội. Từ đó tiếp tục khơi dậy nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái trong xã hội đối với hoạt động thiện nguyện để sẻ chia, giúp đỡ những đồng bào còn khó khăn trong suốt thời gian chống dịch cũng như sau khi dịch bệnh kết thúc, phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc.
 
Ðảm bảo công bằng, tránh khiếu kiện
 
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Dự báo có từ 2 - 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm. Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng.
 
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng các ý kiến phát biểu tại phiên họp thể hiện sự nhất trí cao cần thiết thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo đề nghị của Chính phủ. Đây là các chính sách được người dân và các doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ từng nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay của Quốc hội để thực hiện theo những trình tự, thủ tục phù hợp. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì cần báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
 
Gói hỗ trợ người dân: Không thể chậm trễ - ảnh 2
Gói hỗ trợ của Chính phủ cần sớm được triển khai. Ảnh: Hồng Vĩnh
 
Về đối tượng thụ hưởng, các đại biểu nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.
 
Một số thành viên cho rằng, phạm vi, đối tượng hỗ trợ còn chưa rõ ràng, khó xác định, đề nghị cần rà soát, quy định cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong hỗ trợ, không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần thống nhất nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân hay hộ gia đình để bảo đảm công bằng do có sự khác nhau về số nhân khẩu trong mỗi hộ. Đặc biệt, việc xác định đối tượng được hỗ trợ cần đặt trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đồng đều đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang phải đối mặt với thiên tai như hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, mưa đá ở vùng miền núi phía Bắc...
 
Về mức hỗ trợ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và một số thành viên băn khoăn về việc chia 2 mức 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng đối với nhóm đối tượng là người lao động do mức chênh lệch giữa hai nhóm khá lớn; việc phân biệt đối tượng chủ yếu dựa vào tiêu chí có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động mà chưa căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu…
 
Về quy mô và nguồn lực hỗ trợ, nhiều ý kiến tại phiên họp đề nghị cân nhắc việc sử dụng 3 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động do hiện nay là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, việc thực hiện các hoạt động đào tạo chưa phù hợp.
 
Với nguồn lực ở các địa phương, các đại biểu đề nghị Chính phủ hướng dẫn thực hiện rõ ràng để tránh chồng chéo, chính sách “chồng” chính sách, do hiện nay đã có những địa phương chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ của mình. Ngoài ra, cần đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc…
 
THÀNH NAM - (tienphong.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội