Công trình thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày 14-4-2020. Ảnh: CAO THĂNG
Hiện dự án đã hoàn thành nhiều hạng mục thi công quan trọng trên tuyến chính và đang trong giai đoạn đắp gia tải, triển khai thi công cầu. Nhà đầu tư hy vọng dự án hoàn thành đúng tiến độ và thông xe vào cuối năm nay như đã cam kết.
Tăng tốc
Ghi nhận tại gói thầu xây lắp 11 dài hơn 4,5km, nằm giữa các gói thầu khác, nơi không có đường tiếp cận trực tiếp nên việc vận chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 6-2019, khi nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả tiếp nhận dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì việc thi công ở đây mới được triển khai, muộn hơn so với các gói thầu khác. Thế nhưng, đến thời điểm cuối tháng 2-2020, gói thầu đã cơ bản hoàn thành việc cắm bấc thấm để chuyển sang thi công đắp cát gia tải, và hiện đã đuổi kịp tiến độ chung của toàn dự án.
Tại gói thầu xây lắp 08 do nhà thầu Hoàng An thực hiện, dù chất lượng đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của dự án, nhưng tiến độ hiện đang rất chậm so với kế hoạch đã cam kết với chủ đầu tư; đặc biệt là khối lượng thực hiện hạng mục cầu Kênh Xáng. Để tăng cường năng lực nhà thầu, với mục tiêu đáp ứng tiến độ chung, chủ đầu tư đã cắt chuyển một phần khối lượng gói thầu từ Km56+672,06 đến Km57+756,85 cho nhà thầu khác thực hiện. Với khối lượng còn lại, trong thời gian tới, nếu nhà thầu Hoàng An không có giải pháp khắc phục, vẫn chậm tiến độ thì chủ đầu tư sẽ tiếp tục cắt chuyển khối lượng hoặc bổ sung nhà thầu khác thay thế.
Trước thời điểm Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành dự án, cầu Cai Lậy thuộc gói thầu xây lắp 05 do Công ty cổ phần Cầu 12 đã thi công sai kỹ thuật. Sau khi tiếp nhận, Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện kiểm tra và phát hiện nhà thầu thi công sai vị trí tim bệ trụ T2 (đã thi công xong bệ, thân trụ), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ đạo ban điều hành dự án, ban quản lý dự án yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát lập biên bản, báo cáo đánh giá và xử lý đập bỏ 2 thân, bệ trụ T2 để thi công lại theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Bên cạnh đó, ban điều hành thực hiện kiểm điểm một số nhà thầu thi công có dấu hiệu chững lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chậm tiến độ so với kế hoạch; đồng thời tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ các nhà thầu làm tốt, làm vượt tiến độ.
Hiện nay, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang nghiên cứu các sự cố đã xảy ra trong thời gian qua tại khu vực ĐBSCL, xuất phát từ nguyên nhân nền đất yếu, nhằm đúc rút kinh nghiệm, phòng tránh và đề xuất giải pháp tối ưu cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Nỗ lực thông tuyến cuối năm
Nút thắt lớn nhất trong thời gian qua, khiến dự án thi công kiểu “cầm chừng” là nguồn vốn từ các ngân hàng chưa được khơi thông. Tuy nhiên, nút thắt này đã được tháo gỡ vào cuối tháng 3 vừa qua, ngân hàng đã giải ngân. Hiện tại, nhà đầu tư đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công theo tiêu chí tiến độ và chất lượng công trình phải song hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, sau hơn 11 tháng thi công đạt 40% khối lượng toàn dự án, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước. Để có thể đạt được tiến độ như vậy trong vòng chưa đầy 1 năm, đồng thời giải quyết bài toán thông tuyến khi chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa là tới hẹn, ban điều hành dự án đã bố trí thật khoa học trong từng khâu, từng phần việc của mỗi gói thầu, mỗi công đoạn… Đồng thời, thực hiện “ba xuyên”: xuyên tuyến - xuyên đêm - xuyên dịch, vì một mục tiêu cao nhất là thông tuyến đúng hẹn.
Ngoài đảm bảo tiến độ, dự án còn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Hồ Minh Hoàng cho biết, hàng trăm công nhân, kỹ sư, người lao động dù phải làm việc trong môi trường nắng nhưng tất cả đều chấp hành 100% mang khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào công trình. Đơn vị thi công cũng thường xuyên nhắc nhở người lao động tự bảo vệ và phòng chống dịch tại nhà, hạn chế tiếp xúc người lạ.
Ông Hồ Minh Hoàng khẳng định, “phải thông tuyến vào cuối năm nay”. Và để làm tốt, đơn vị đã cắt cử quản lý luân phiên túc trực tại công trường để kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông, dự án chắc chắn sẽ được đẩy nhanh. Tuy nhiên, theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, hiện dịch đang ảnh hưởng lớn đến việc huy động nhân công, cũng như việc cung cấp vật liệu cho dự án, trong khi các tồn tại liên quan đến thủ tục để bố trí, giải ngân phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ (còn 410 tỷ) chưa được xử lý dứt điểm.
Điều quan trọng không kém là việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng chưa được các cơ quan chức năng hỗ trợ. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu thông tuyến vào cuối năm nay và hoàn thành vào năm 2021. Đáng lo ngại nữa, các đầu mối cung cấp vật liệu tại địa phương như cát, đá… đang có dấu hiệu lợi dụng tình trạng khó khăn để ép giá, làm cẩu thả. Điều đó sẽ gây hậu quả xấu cho dự án về lâu dài.
QUỐC HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)