Thủ tục nhận gói hỗ trợ Covid-19 tại TP.HCM mà người dân cần biết

Thứ năm, 16 Tháng 4 2020 14:22 (GMT+7)
Khi nào nhận được tiền hỗ trợ? Thủ tục nhận tiền hỗ trợ như thế nào?... là điều mà rất nhiều người quan tâm trong những ngày vừa qua.
 
Mới đây, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM vừa báo cáo phương án triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. 
 
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ. Đây là gói hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ, do tổng số tiền hỗ trợ rất lớn và số lượng người nhận được hỗ trợ rất nhiều.
 
Với mỗi người dân, số tiền hỗ trợ không quá nhiều (250.000 đồng - 1,8 triệu đồng/tháng) nhưng trong hoàn cảnh đang bị mất việc làm, mất thu nhập vì dịch bệnh thì khoản tiền này góp phần giúp người dân trang trải các chi phí sinh hoạt cần thiết.
 
Thủ tục nhận gói hỗ trợ Covid-19 tại TP.HCM mà người dân cần biết - Ảnh 1.
Bao giờ nhận được tiền hỗ trợ Covid-19? Thủ tục nhận tiền thế nào? (Ảnh minh họa)
 
Khi nào nhận được tiền hỗ trợ?
 
Nguồn tin trên báo Thanh niên cho biết, đối với người lao động có hợp đồng thỏa thuận tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương phải thỏa mãn điều kiện thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; và thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/5.
 
Ngoài ra, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến trước thời điểm tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương và có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Thủ tục nhận tiền hỗ trợ như thế nào?
 
Về trình tự, thủ tục, người lao động có đơn đề nghị gửi đến người sử dụng lao động để lập bảng tổng hợp danh sách; công khai bảng tổng hợp danh sách tại doanh nghiệp; đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở và bảo hiểm xã hội xác nhận.
 
Sau đó, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM hoặc UBND các quận, huyện nếu trụ sở chính nằm ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
 
Thủ tục nhận gói hỗ trợ Covid-19 tại TP.HCM mà người dân cần biết - Ảnh 2.
Ảnh: T.L
 
Trong 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, các đơn vị thẩm định, quyết định và chuyển đủ kinh phí hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng danh sách đã được phê duyệt, nếu không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ có cơ sở trên địa bàn phường, xã, các quận, huyện chuyển kinh phí cho UBND phường, xã để hỗ trợ theo danh sách giáo viên, nhân viên.
 
Nhóm thứ 2 là người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian chấm dứt hợp đồng từ ngày 1.2 đến hết ngày 30.6. TP.HCM không hỗ trợ người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
 
Người lao động có nhu cầu hỗ trợ nộp hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, hoặc UBND quận, huyện nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị, các đơn vị thẩm định hồ sơ, quyết định và chuyển đủ kinh phí hỗ trợ cho người lao động.
 
TP.HCM hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, chi từng tháng thực tế người lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19, nhưng tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 6.2020. Dự kiến, TP.HCM sẽ hỗ trợ cho khoảng 600.000 người lao động bị ảnh hưởng với tổng ngân sách khoảng 1.800 tỉ đồng.
 
Trục lợi chính sách có thể bị xử lý hình sự
 
Nguồn tin từ báo Giao thông cho biết, theo dự thảo Quyết định, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
 
 
Khi thực hiện hỗ trợ, phải thực hiện ban giám sát gồm đại diện MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, HĐND các cấp. 
 
Người lợi dụng chính sách hỗ trợ quy định để trục lợi, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Minh Khôi - (toquoc.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội