Vận hành thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ.
Nóng trên từng gốc tràm U Minh hạ
Chúng tôi trở lại U Minh hạ cùng với tổ công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cà Mau đi kiểm tra công vụ, kết hợp tặng quà động viên và đôn đốc các lực lượng đang làm nhiệm vụ canh lửa mùa khô. Đại ngàn U Minh hạ có hàng chục lối vào, do nằm xen kẽ với cư dân vùng đệm. Sâu bên trong, những con đường ngoằn ngoèo, quanh co thuở trước đã được mở rộng, được láng nhựa, thảm bê-tông..., thuận tiện cho xe bốn bánh lưu thông nhanh nhất trong tình huống khẩn cấp. Đó cũng chính là thành quả đầu tư của các cấp chính quyền qua nhiều mùa chống cháy. Sự quan tâm ấy là hết sức hữu ích, bởi U Minh hạ được xem là “lá phổi xanh” thứ hai của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Vào những tháng cao điểm mùa khô như hiện nay, rừng tràm U Minh hạ được bố trí đến 107 trạm, chốt và các tháp canh lửa. Mỗi tháp cách nhau trong bán kính từ 1 - 5 km đường chim bay, luôn có người túc trực và được trang bị đầy đủ ống nhòm tầm xa cùng các thiết bị liên lạc cần thiết. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo ấy mà đầu tháng 4 vừa qua, lực lượng canh lửa đã phát hiện và dập tắt kịp thời đám cháy nhỏ ở tiểu khu 042, thuộc ấp 15, xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Thông tin lại sự việc với chúng tôi, anh Trần Quốc Khái, Phó Trưởng Ban chỉ đạo PCCCR (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ), cho biết: Sau khoảng 15 phút từ lúc phát hiện ngọn lửa, năm máy bơm, hai xe chữa cháy chuyên dụng và khoảng 120 người thuộc lực lượng chữa cháy của công ty và bên quân đội, kiểm lâm... đã đến tận nơi để dập lửa. “Trong tình thế ấy, chỉ trễ chút thôi là đám cháy nhỏ sẽ lan nhanh, rất khó chữa”, anh Khái chia sẻ.
12 giờ trưa, nắng trên đỉnh đầu hầm hập và không chút gió. Đại ngàn U Minh hạ càng trở nên oi bức, ngột ngạt... Đi sâu vào bên trong, bề mặt của rừng giờ đã khô khốc và không còn nước. Tình trạng tương tự ở tầng thực bì và sâu tận lớp than bùn. Trong khi đó, đeo bám vào những thân tràm cao vút là nhiều loại dây leo hoang dại đang héo queo, úa vàng. Phó Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) U Minh hạ Lê Thanh Dũng vô cùng lo lắng: “Nắng nóng liên tục mấy tháng liền khiến U Minh hạ như chảo lửa. Tình hình này còn kéo dài sẽ rất nguy, có cháy thì rất khó chữa và dập cháy, bởi đến tận lớp than bùn đã khô queo và không còn độ ẩm”.
Đến nay, Cà Mau là tỉnh duy nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Mê Công, sông Hậu. Vì thế, những năm hạn hán khốc liệt kéo dài, kênh rạch trữ nước ngọt trong mùa mưa trở nên kiệt quệ, khô cạn. Ngoài sản xuất và đời sống dân sinh, tình trạng thiếu nước còn ảnh hưởng lớn đến công tác PCCCR mùa khô. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lâm phần rừng tràm Cà Mau hiện trở nên nóng bỏng.
Quyết tâm không để cháy lớn
Lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau có diện tích hơn 43.500 ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện U Minh, Trần Văn Thời và một số ít trên cụm đảo Hòn Khoai của huyện Ngọc Hiển. Bước sang đầu tháng 4 này, toàn bộ diện tích nêu trên đã chuyển sang mức báo cháy cấp V, có thể xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào. Song, nhờ thực hiện tốt công tác PCCCR mùa khô theo phương châm “bốn tại chỗ” mà đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích rừng ngập ngọt ở Cà Mau vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Lo nhất của chúng tôi hiện nay là nắng nóng kéo dài khiến nước dự trữ dưới các kênh, rạch trong rừng bốc hơi khá nhanh. Trong khi đó, phần lớn kênh, rạch vùng ngọt phía bên ngoài rừng đã khô cạn. Vì thế, nếu có cháy lớn xảy ra thì nguy cơ một số nơi sẽ thiếu nước chữa cháy cục bộ - Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Cà Mau Lê Văn Hải nhận định. Đến giữa tháng 4, mực nước trung bình dưới kênh, rạch trong rừng còn khoảng 1m, riêng khu vực rừng sản xuất do xã quản lý, có nơi chỉ còn từ 0,3 đến 0,5 m.
Nhận định tình hình khô hạn 2019 - 2020 sẽ rất khốc liệt, cho nên ngay từ đầu mùa khô mới, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã chủ động đắp các cống, đập giữ nước ngọt phục vụ PCCCR. Các đơn vị chủ rừng còn chủ động phát quang hơn 753 km các tuyến giao thông đường bộ trong lâm phần nhằm tạo đường băng cản lửa, đồng thời khơi thông lòng kênh ở khu vực được giao khoán với tổng chiều dài hơn 277 km, thuận tiện hơn trong tuần tra, vận chuyển trang thiết bị chuyên dụng.
Nói về phương án PCCCR mùa khô theo phương châm “bốn tại chỗ”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều cho biết: Cơ quan chức năng tỉnh còn trang bị mới 124 máy bơm nước chữa cháy các loại và hơn 70 nghìn mét vòi chữa cháy cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng; bố trí sẵn 78 máy ICOM phục vụ công tác thông tin liên lạc trong PCCCR... Song hành với đó, ngay từ đầu năm 2020, cơ quan chức năng tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 29 tổ PCCC và 24 đơn vị chủ rừng; ký phối hợp PCCCR với tám xã, thị trấn và 12 đơn vị chủ rừng và gần 4.800 hộ dân các xã có rừng. “Trong thời gian cao điểm như hiện nay, chúng tôi tiếp tục duy trì 74 tổ máy bơm, hơn 590 người luân phiên ứng trực trên các chốt, chòi canh lửa. Trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi có thể huy động lực lượng lên đến hơn 2.600 người”, ông Triều khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, trước khả năng có thể sẽ thiếu nước chữa cháy, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng xây dựng và tính toán lại phương án tích nước ngọt để bảo đảm chủ động tốt hơn về nguồn nước, tuyệt đối không để thiếu nước chữa cháy và trong trường hợp có cháy thì phải dập tắt kịp thời, nhanh nhất, quyết tâm không để xảy ra cháy lớn. Mùa khô còn tiếp diễn, nguy cơ cháy rừng là rất cao nên các đơn vị chủ rừng không được lơ là, chủ quan. Bên cạnh việc vận hành máy móc thường xuyên, lực lượng tại chỗ phải tăng cường công tác ứng trực, nghiêm cấm mọi hình thức đốt đồng trong mùa khô và tuyệt đối không để người không phận sự ra, vào rừng.
BÀI VÀ ẢNH: HỮU TÙNG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)